Chủ động tiêm phòng sởi có ý nghĩa quan trọng, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Tác dụng phụ của vaccine sởi có đáng lo ngại?
1. Các tác dụng phụ có thể gặp sau khi tiêm vaccine sởi đơn
Theo BS. Nguyễn Ngọc Chìu, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện 19-8, sởi là căn bệnh truyền nhiễm rất dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt là khi tỉ lệ tiêm phòng giảm. Khi mắc bệnh mà không được điều trị kịp thời, bệnh sởi có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng, viêm não - màng não, thậm chí là tử vong. Đối với phụ nữ đang mang thai, có thể gây sảy thai, sinh non hoặc dị dạng thai nhi, mù lòa ở trẻ sơ sinh.
Chính bởi vậy, việc chủ động tiêm phòng sởi có ý nghĩa quan trọng, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Vaccine sởi giúp ngăn ngừa biến chứng, giảm tỉ lệ tử vong liên quan đến căn bệnh này.
Nếu chẳng may mắc bệnh khi đã tiêm vaccine, lượng kháng thể được hình thành trong cơ thể có khả năng chống lại các nhiễm trùng nghiêm trọng do sởi gây ra, giúp triệu chứng bệnh diễn biến nhẹ nhàng hơn, ít biến chứng và giảm thiểu đáng kể nguy cơ nhập viện.
Tương tự các loại vaccine dịch vụ khác, vaccine sởi có thể gây ra một số tác dụng phụ như sốt, mệt mỏi, sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ tiêm… Những triệu chứng này đều là những phản ứng bình thường báo hiệu cơ thể đáp ứng miễn dịch phòng bệnh và sẽ tự hết sau 1 - 2 ngày mà không cần điều trị.
Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine sởi rất hiếm gặp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người được tiêm chủng sẽ được giữ lại theo dõi 30 phút sau tiêm tại cơ sở y tế, đảm bảo có thể xử trí kịp thời nếu có vấn đề xảy ra.
2. Cách khắc phục tác dụng phụ của vaccine
- Dùng thuốc hạ sốt: Dùng thuốc paracetamol hoặc ibuprofen theo liều chỉ định trong trường hợp gặp các tác dụng phụ như đau nhức, mẩn đỏ, sưng tấy ở chỗ tiêm, sốt nhẹ...
- Uống nhiều nước: Một cách quan trọng khác để giảm tác dụng phụ của vacine sởi là uống đủ nước. Việc uống nhiều nước trước và sau khi tiêm phòng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước có thể làm trầm trọng thêm bất kỳ tác dụng phụ nào có thể gặp phải.
3. Chống chỉ định đối với vaccine sởi
Vaccine sởi chống chỉ định với các trường hợp sau:
- Những người dị ứng hoặc có phản ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) với các thành phần trong vaccine sởi (gelatin hoặc neomycin).
- Các trường hợp đã từng có phản ứng nặng sau lần tiêm chủng trước với các loại vaccine có chứa thành phần sởi cũng cần tránh tiêm ngừa sởi để tránh các biến chứng.
- Những người suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải (AIDS), đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch, corticoid, bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng các phương pháp hóa trị, xạ trị… cũng chống chỉ định tiêm vaccine phòng sởi do ở những trường hợp này, khả năng tạo miễn dịch chủ động bị suy giảm.
- Không tiêm vaccine phòng ngừa sởi cho phụ nữ có thai bởi đây là loại vaccine sống giảm động lực. Nếu trong trường hợp sau khi tiêm vaccine sởi mới phát hiện mang thai, cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để được kiểm tra và theo dõi chặt chẽ.
Việc hoãn tiêm vaccine nên được xem xét đối với những người đang gặp tình trạng ốm, sốt hoặc có các triệu chứng bệnh cấp tính khác. Khi sức khỏe ổn định trở lại, việc tiêm chủng có thể được tiến hành nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa sởi.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Bệnh sởi có thuốc điều trị đặc hiệu không? Cách phòng bệnh?