Tác dụng phụ của thuốc trị hội chứng ruột kích thích

23-05-2020 20:34 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa phổ biến có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một trong những thể chính của IBS là tiêu chảy. Vậy những thuốc nào được sử dụng trong trường hợp này?

Thuốc chống tiêu chảy

Imodium (loperamid): Được dùng để chữa triệu chứng các trường hợp tiêu chảy cấp không rõ nguyên nhân và một số tình trạng tiêu chảy mạn tính. Loperamid làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa, và tăng trương lực cơ thắt hậu môn. Thuốc còn có tác dụng kéo dài thời gian vận chuyển qua ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải qua niêm mạc ruột, do đó làm giảm sự mất nước và điện giải, giảm lượng phân.

Không dùng thuốc cho người mẫn cảm với loperamid, khi cần tránh ức chế nhu động ruột, khi có tổn thương gan, khi có viêm đại tràng nặng, viêm đại tràng màng giả (có thể gây đại tràng to nhiễm độc), hội chứng lỵ, bụng trướng...

Ngừng thuốc nếu không thấy có kết quả trong vòng 48 giờ.Theo dõi nhu động ruột và lượng phân, nhiệt độ cơ thể và theo dõi trướng bụng. Hầu hết các tác dụng phụ thường gặp là phản ứng ở đường tiêu hóa như: Táo bón, đau bụng, buồn nôn, nôn.

Diarsed (diphénoxylate kết hợp atropine): Điều trị triệu chứng tiêu chảy cấp và mạn do tăng nhu động ruột. Điều trị này không thay thế liệu pháp bù nước và các chất điện giải khi cần thiết.

Diphénoxylate là một chất chống tiêu chảy kiểu morphine, tác động trên vận động tính của ruột. Atropine, với hàm lượng trong công thức, không có tác dụng chống tiêu chảy, nhưng được kết hợp với diphénoxylate nhằm tránh lệ thuộc diphénoxylate.

Một số bất lợi có thể gặp như: Buồn nôn, nôn, căng trướng bụng, đau đầu, phát ban ngoài da, khô miệng (do atropine) và ngủ gà (do diphénoxylate) có thể xuất hiện khi dùng với liều cao.

Eluxadoline: Hoạt động trực tiếp trong ruột để làm chậm sự di chuyển của thức ăn trong quá trình tiêu hóa. Eluxadoline cũng làm cho các dây thần kinh trong ruột của ít nhạy cảm hơn với kích thích. Đây là một thuốc được sử dụng để điều trị hội chứng ruột kích thích khi triệu chứng chính là tiêu chảy.

Các tác dụng phụ thường gặp có thể bao gồm: Táo bón; buồn nôn hoặc đau bụng. Người lớn tuổi tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc. Cần  ngừng dùng eluxadoline và gọi bác sĩ ngay nếu: Đau dạ dày mới hoặc xấu đi (có thể nặng); buồn nôn và ói mửa; táo bón nặng; táo bón kéo dài hơn 4 ngày...

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn tiêu hóa có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn tiêu hóa có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Kháng sinh

Các kháng sinh có sự hấp thu kém như rifaximin cũng được dùng trong IBS thể tiêu chảy. Kháng sinh hấp thụ kém thường ít hay không đi qua màng ruột mà ở lại trong ruột, tác dụng với vi khuẩn, cản trở sự tăng sinh quá mức của vi khuẩn ở ruột non hay ruột già.

Cơ chế tác dụng của rifaximin trên IBS được giải thích là do làm giảm lượng vi khuẩn trong ruột, đặc biệt là ở ruột già; dẫn đến giảm sự lên men của vi khuẩn và có thể  kết hợp với giảm phân tiết các sản phẩm của vi khuẩn hoặc giảm những đáp ứng của cơ thể với các sản phẩm của vi khuẩn, từ đó giảm các triệu chứng của IBS.

Thuốc có thể gây buồn nôn, đau bụng, chóng mặt, đau đầu, co thắt cơ bắp... Khi dùng thuốc nếu bất lợi xảy ra cần thông báo cho bác sĩ biết.

Các chất hấp phụ, bao phủ niêm mạc ruột

Diosmectite: Có khả năng gắn với protein của niêm mạc đường tiêu hóa, tạo thành một lớp mỏng bao phủ, bảo vệ niêm  mạc. Nhờ đó, giúp thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục trong bệnh tiêu chảy cấp, cải thiện khuôn phân, giảm lượng phân thải ra và rút ngắn thời gian tiêu chảy.

Ngoài tác dụng tạo màng bảo vệ niêm mạc ruột, thuốc còn hấp phụ các độc tố của vi khuẩn, các khí trong ruột, có tác dụng cầm máu tại chỗ.

Atapulgit: Atapulgit chứa trong hầu hết các chế phẩm có trên thị trường đã được hoạt hóa (được đốt nóng để tăng khả năng hấp phụ). Atapulgit hoạt hóa được dùng làm chất hấp phụ trong tiêu chảy, có tác dụng bao phủ mạnh, bảo vệ niêm mạc ruột bằng cách trải thành một màng đồng đều trên khắp bề mặt niêm mạc. Tuy nhiên thuốc có thể gây táo bón.

Tính chất hấp phụ của atapulgite làm ảnh hưởng đến sự hấp thụ của một số thuốc ở đường ruột vì vậy nên uống cách các thuốc khác 2-3 giờ. Tuyệt đối không được dùng attapulgite quá liều.

Bên cạnh đó có thể bổ sung men vi sinh, giúp lập lại cân bằng vi khuẩn đường ruột.


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn