1. Meloxicam là gì?
Meloxicam là một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được sử dụng để giảm đau và viêm. Thuốc có tác dụng giảm đau bằng cách giảm sản xuất prostaglandin, là chất hóa học góp phần gây viêm, đặc biệt là trong các khớp của cơ thể.
Là một phương thuốc chữa viêm và đau hiệu quả, meloxicam được sử dụng để điều trị các tình trạng khớp như viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp. Thuốc cũng được sử dụng để điều trị viêm khớp vô căn vị thành niên (JIA).
2. Các tác dụng phụ thường gặp của meloxicam
Các tác dụng phụ phổ biến nhất của meloxicam bao gồm:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Buồn nôn, nôn
- Tiêu chảy
- Viêm họng
- Đau dạ dày
- Phát ban
- Ngứa...
3. Những nguy cơ khi dùng thuốc lâu dài
3.1 Loét dạ dày
Sử dụng meloxicam lâu dài có thể gây chảy máu hoặc loét dạ dày, có thể gây tử vong nếu không được điều trị.
Người lớn tuổi, đặc biệt là những người thường xuyên uống rượu hoặc sức khỏe kém, đối mặt với nguy cơ mắc cao hơn. Chảy máu hoặc loét dạ dày có thể xuất hiện mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào hoặc có thể xuất hiện dưới dạng các triệu chứng như đau bụng, nôn ra máu, phân có máu hoặc phân đen.
3.2 Tăng huyết áp
Sử dụng meloxicam có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp ở những bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp. Trong khi, ở những người khác, có thể gây tăng huyết áp.
3.3 Giữ nước
Giữ nước hoặc phù (sưng) là một tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng meloxicam, và do đó những người mắc bệnh tim thường không được dùng thuốc này.
3.4 Đột quỵ
Ngay cả những người không có tiền sử bệnh tim cũng có nguy cơ bị đột quỵ khi được kê đơn thuốc. Do đó, NSAID không được kê đơn cũng như không được sử dụng để điều trị các cơn đau phát sinh do phẫu thuật ghép nối động mạch vành.
3.5 Mất ngủ
Mất ngủ là một tác dụng phụ tiềm ẩn khác của việc sử dụng meloxicam trong thời gian dài. Mất ngủ là một tình trạng sức khỏe mà người đó không thể đi vào giấc ngủ và do đó cảm thấy buồn ngủ và thiếu năng lượng vào ban ngày. Mất ngủ cũng có thể dẫn đến cảm giác trầm cảm, lo lắng hoặc cáu kỉnh, khó tập trung, suy giảm trí nhớ.
3.6 Thận hư
Mặc dù việc sử dụng lâu dài có thể gây hại cho thận, nhưng thông thường, việc ngừng sử dụng thuốc sẽ làm giảm những tổn thương đó.
3.7 Tổn thương gan
Tổn thương gan là một trong những tác động chính mà việc sử dụng meloxicam trong thời gian dài có thể gây ra.
4. Làm gì để tránh tác dụng phụ của meloxicam
-Dùng meloxicam theo chỉ dẫn: Dùng liều hàng ngày theo quy định. Không tăng hoặc giảm liều.
-Tránh dùng cùng các NSAID khác: Nhiều loại thuốc giảm đau không kê đơn cùng nhóm thuốc với meloxicam, bao gồm cả aspirin. Chúng có nhiều tác dụng phụ giống như meloxicam, vì vậy nên tránh khi dùng cùng meloxicam.
-Dùng meloxicam với thức ăn: Meloxicam có thể được sử dụng cùng hoặc không cùng thức ăn. Nếu dùng meloxicam gây ra các vấn đề về dạ dày, hãy cân nhắc dùng meloxicam cùng với thức ăn.
-Tránh dùng meloxicam lâu dài: Khả năng xảy ra các tác dụng phụ, bao gồm cả các tác dụng phụ nghiêm trọng, tăng lên khi dùng thuốc lâu hơn.
Để giảm thiểu tác dụng phụ, meloxicam được dự định dùng ở liều thấp nhất có thể trong thời gian ngắn nhất để đạt được mục tiêu điều trị.
-Không hút thuốc và rượu: Hút thuốc và uống rượu làm tăng nguy cơ loét dạ dày ở những người dùng NSAID như meloxicam.
-Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng và các bệnh lý mắc kèm: Để giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ, hãy thông báo với bác sĩ kê đơn biết tất cả các tình trạng bệnh lý trong quá khứ và hiện tại, đặc biệt là:
- Các vấn đề về tim bao gồm bệnh tim hoặc đau tim
- Tiền sử đông máu hoặc đột quỵ
- Loét hoặc xuất huyết tiêu hóa
- Bệnh hen suyễn
- Cholesterol cao
- Bệnh tiểu đường
- Các vấn đề về gan hoặc thận
- Dị ứng với NSAID
Nhiều tác dụng phụ của các loại thuốc kê đơn như meloxicam chỉ đơn giản là do kết hợp chúng với các loại thuốc khác sai cách. Đối với người mắc bệnh mãn tính như viêm khớp, cần ghi lại danh sách tất cả các loại thuốc đã sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng và các liệu pháp thảo dược và thông báo cho bác sĩ biết khi được kê đơn thuốc meloxicam.
Mời xem thêm video đang được quan tâm
Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng