Nguyễn Trung Hiếu (Cao Bằng)
Khi bị bệnh viêm gan C mạn tính, mục tiêu điều trị là diệt trừ virut, ức chế virut sao chép lâu dài và làm giảm tình trạng viêm gan.
Ngày nay, điều trị viêm gan C mạn tính đã có nhiều tiến bộ, đầu tiên các liệu trình interferon ngắn hạn đã làm giảm nồng độ men ALT trong huyết thanh, giảm nồng độ HCV và làm giảm tình trạng viêm gan. Nhưng không diệt trừ được virut và phần lớn bệnh nhân tái phát sau khi ngừng thuốc. Sau này, liệu trình phối hợp interferon và ribavirin có khả năng diệt trừ virut ở 40% bệnh nhân. Kể từ năm 2002, liệu pháp peg-interferon kết hợp với ribavirin cho tỷ lệ đáp ứng virut học kéo dài trên 50%, vì vậy liệu pháp này đã dần thay thế các chế độ điều trị cũ.
Peg-interferon là sự phối hợp giữa interferon với polyethylen glycol, còn gọi là pegylate hoá, làm thanh thải thuốc chậm đi và do đó phơi nhiễm kéo dài với nồng độ thuốc cao hơn, nên chỉ dùng 1 tuần một lần.
Có hai loại peg-interferon là peg-interferon α – 2a và peg-interferon α – 2b có tỷ lệ đáp ứng virut duy trì dao động trên 36% tuỳ theo genotype. Điều trị phối hợp với ribavirin cho tỷ lệ đáp ứng cao hơn > 50%. Trường hợp bệnh nhân chống chỉ định dùng ribavirin có thể được điều trị bằng peg-interferon.
Tác dụng phụ: phần lớn các tác dụng ngoại ý ở mức độ nhẹ và trung bình không cần hạn chế điều trị. Các tác dụng phụ hay gặp là đau nơi tiêm, mệt, ớn lạnh, sốt, đau khớp, triệu chứng giống cúm, trầm cảm..., ngoài ra có thể gặp giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu, phát ban, tăng cảm giác, nhìn mờ, lú lẫn, rong kinh, táo bón, rối loạn tâm thần…Thuốc không được dùng cho bệnh nhân xơ gan mất bù, bệnh tự miễn, rối loạn nhịp tim, bệnh thiếu máu và thiếu máu cục bộ, suy thận, phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi.
Cần thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân có tiền sử thiếu máu 3 dòng, bệnh nhân có rối loạn tâm thần, rối loạn co giật.
ThS. Nguyễn Bạch Đằng