Ngô Văn Hùng (Bắc Ninh)
Cefotaxim là một loại kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3, có phổ kháng khuẩn rộng, được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng và nguy kịch do vi khuẩn nhạy cảm với cefotaxim, bao gồm áp-xe não, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim, viêm màng não (trừ viêm màng não do Listeria monocytogenes), viêm phổi, bệnh lậu, bệnh thương hàn, nhiễm khuẩn nặng trong ổ bụng (phối hợp với metronidazol) và dự phòng nhiễm khuẩn sau mổ tuyến tiền liệt kể cả mổ nội soi, mổ lấy thai.
Dùng thuốc trong điều trị viêm phổi cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc.
Khi dùng cefotaxim dạng tiêm, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ, hay gặp nhất là tiêu chảy. Có thể gặp viêm tắc tĩnh mạch tại chỗ tiêm, đau và có phản ứng viêm ở chỗ tiêm bắp. Tuy nhiên, một điều đáng ngại là các thuốc chứa cefotaxim là thuốc được các cơ sở khám, chữa bệnh báo cáo nghi ngờ gây ra ADR (tác dụng không mong muốn) nhiều nhất trong 4 năm gần đây. Trong đó, các phản ứng có hại được ghi nhận chủ yếu là sốc phản vệ/phản ứng phản vệ (bao gồm cả tử vong), ban đỏ, ngứa, phát ban, dị ứng...
Trong điều trị bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi dùng thuốc. Cháu có chỉ định dùng cefotaxim của bác sĩ, tức là cháu đã được thăm khám và cân nhắc kỹ, thì bạn không nên quá lo lắng và cứ yên tâm cho con dùng thuốc đúng liều lượng thì bệnh viêm phổi mới khỏi. Không phải trường hợp nào dùng cefotaxim cũng gặp tác dụng phụ và mức độ ảnh hưởng của tác dụng không mong muốn với mỗi trường hợp cũng khác nhau. Trong khi điều trị, bạn nên theo dõi các phản ứng về sức khỏe của con để báo cho bác sĩ biết và có hướng xử trí kịp thời, thích hợp.
Chúc hai mẹ con khỏe!
Dùng thuốc trong điều trị viêm phổi cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc.