Y học hiện đại chỉ dùng mật bò, mật lợn. Trái lại y học cổ truyền lại dùng mật của nhiều loài.
Mật lợn
Mật lợn ít được dùng tươi vì rất đắng, khó uống và không để được lâu. Thông thường khi cắt túi mật, hứng nước mật lợn vào bát đã khử khuẩn. Lọc, đun cách thủy, vừa đun vừa khuấy đều đến khi nghiêng bát mà không thấy mật chảy ra là được cao đặc có màu vàng, hơi xanh. Hoặc nhỏ từ từ dung dịch phèn chua bão hòa vào nước mật đến khi kết tủa. Lọc để lấy tủa. Rửa tủa bằng nước cất để loại phèn chua. Đựng tủa trong một đĩa men cho vào tủ sấy ở nhiệt độ dưới 70oC. Đến khi khô, để nguội, tán thành bột sẽ được cao khô - tên thuốc là trư đởm.
Cao mật lợn chữa viêm đại tràng.
Trong y học cổ truyền, mật lợn gọi là trư đởm có vị đắng, mùi tanh, tính lạnh, không độc, có tác dụng giảm đau, tiêu viêm, kích thích tiêu hóa, sát khuẩn, thông đại tiện, chữa đau bụng, đau dạ dày, ho, ho gà, hen suyễn, sỏi mật...
Chữa ho gà: Tán mịn cao mật lợn khô với tỷ lệ 20mg cao trộn với 1ml sirô. Ngày uống 3 lần. Trẻ dưới 1 tuổi: mỗi lần 1/2 thìa cà phê; 1-2 tuổi uống 1 thìa cà phê; 3 tuổi 1 thìa rưỡi; hơn 3 tuổi 2 thìa.
Chữa táo bón: Bột cao mật lợn khô, tá dược vừa đủ, hoàn viên. Người lớn ngày uống 2 lần vào sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi lần 0,3-0,6g. Nếu táo bón nhiều dùng ngày đầu 2g ngày, chia 2 lần rồi giảm dần.
Chữa đau dạ dày, viêm đại tràng: Cao mật lợn cô cách thủy, tá dược hoàn viên, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 0,5 - 1g, trước bữa ăn.
Thuốc dùng ngoài: Nước mật lợn để nguyên hoặc cô đặc phối hợp với hoàng bá bôi chữa bỏng (Nam dược thần hiệu). Nước mật lợn phối hợp với nghệ vàng hoặc gừng tươi chữa nhọt độc; Cao mật lợn phối hợp với củ hành tươi, tỏi, lá trầu không, lá ớt chữa vết thương phần mềm, bỏng.
Mật rắn
Mật rắn được chế biến bằng cách dùng một ít trần bì tẩm mật rắn đem sấy, làm đi làm lại nhiều lần, cuối cùng sấy khô, tán bột. Có thể chế bằng cách buộc chặt túi mật rồi tẩm rượu, phơi âm can cho khô, làm 3 lần trong 3 ngày, rồi treo lên cho đến khi khô kiệt - dược liệu được dùng làm thuốc với tên gọi là xà đởm.
Xà đởm vị ngọt, cay, đặc biệt không đắng như mật của các động vật khác có tác dụng hạ sốt, giảm đau, tiêu đờm chữa ho, đau bụng, đau lưng, nhức đầu kinh niên. Ngày dùng 1-2 cái còn nguyên túi vừa lấy ra khỏi mình rắn rồi nuốt chửng hoặc pha với ít rượu mà uống. Biệt dược “Tam xà đởm trần bì” gồm mật của 3 loài rắn: rắn hổ mang, rắn cạp nong hoặc cạp nia, rắn ráo phối hợp với trần bì và 1 số vị thuốc khác; chữa ho, đau bụng, tiêu chảy.
Để chữa viêm đa khớp với biểu hiện đau nhức xương, đỏ ở các khớp xương, đau nhiều về mùa rét, đau có sốt nhẹ có người dùng mật của 3 loài rắn trên ngâm với rượu chừng 30ml, chia làm 3 phần, uống trong ngày. Rượu ngâm mật rắn còn chữa hen suyễn mạn tính. Mật rắn biển có vị ngọt, hơi đắng lại là thuốc chống viêm, an thần, mất ngủ.
Mật gà
Mật gà có tên thuốc là kê đởm, vị đắng, tính hàn, không độc, có tác dụng giảm ho, long đờm, tiêu độc, chống viêm. Theo tài liệu nước ngoài, mật gà được dùng chữa ho gà nhất là trường hợp ho nặng có chảy máu. Lấy một cái mật gà, rút hết nước, trộn với mật ong, lượng bằng nhau. Trẻ em từ một tuổi trở xuống, mỗi ngày uống 1/3 hỗn hợp; 1-3 tuổi uống1/2; 4-6 tuổi uống hết làm một lần. Dùng 5-7 ngày.
Chữa ho lâu ngày: Mật gà đen một cái; hạt chanh, hạt quất, lá thạch xương bồ, mỗi thứ 10g. Tất cả để tươi, giã nát, thêm đường, hấp cơm cho chín, uống trong ngày
Chữa ho gà, ho khan, ho có đờm: mật gà 10 cái; hạt chanh, hạt mướp đắng, mỗi thứ 20g; đường cát 25g. Hạt chanh và hạt mướp đắng đem sao khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn đều với nước mật gà, phơi khô, tán lại cho thật mịn. Đường đun cho chảy, luyện với bột trên làm viên bằng hạt đỗ xanh, sấy khô. Trẻ em từ 1-5 tuổi, mỗi lần uống 2-4g; 6-10 tuổi uống 5-8g. Ngày uống hai lần với nước ấm.
Mật cá
Mật cá chép: 1 cái phối hợp với gan gà trống 1 cái ngâm với 500ml rượu trắng. Để càng lâu càng tốt, thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30ml chữa liệt dương.
Mật cá diếc: 1 cái đốt thành than, tán nhỏ, trộn với dầu vừng, bôi chữa sa dạ con.
Mật cá trắm: kể cả cá trắm đen và trắm trắng đều được dùng để làm thuốc. Dùng mật cá trắm dưới dạng dùng ngoài và sấy khô, rất ít dùng đường uống, không có liều lượng.
Mật cá trắm vị đắng, tính hàn, có công dụng thanh nhiệt giải độc được dùng để chữa các chứng bệnh như cổ họng sưng đau (lấy chút ít mật cá trắm phơi khô hòa với mật ong rồi ngậm, mỗi ngày vài lần), âm hộ sưng cứng như đá, đau nhức nhiều (mật cá trắm 7 cái hòa với lụa tơ tằm 12g đã đốt thành tro rồi bôi vào nơi tổn thương).
Một số tài liệu ghi rõ mật cá trắm là có độc. Sử dụng mật cá trắm phải hết sức thận trọng và nhất thiết phải có sự tư vấn của các thầy thuốc.
Mật trăn
Mật trăn thường được dùng dưới hai dạng: phơi hoặc sấy khô rồi tán thành bột và ngâm rượu. Uống trong mỗi ngày từ 1 - 2g (có tài liệu dùng tới 3g) với rượu hoặc nước ấm, dùng ngoài không kể liều lượng tùy theo từng thể bệnh.
Mật trăn giúp sáng mắt, chống phù nề, giảm đau...
Mật trăn vị đắng, ngọt, tính hàn, hơi độc, có công dụng làm sáng mắt và chữa mắt có màng, chống phù nề và giảm đau, thường được dùng để chữa các chứng như đau mắt đỏ, trẻ em suy dinh dưỡng, tiêu hóa kém...
Chữa trĩ viêm tấy sưng: Bột mật trăn trộn với dầu vừng bôi hàng ngày.
Chữa đau mắt đỏ và mắt có màng: mật trăn 0,5g, phèn chua 0,5g, nước chanh 1 thìa nhỏ, hợp lại chưng chín, lọc lấy nước trong nhỏ mắt.
Chữa viêm loét lợi, viêm quanh răng: mật trăn 12g, hạt táo ta 8g, đốt tồn tính, tán bột, bôi vào nơi tổn thương, ngày 2 lần.
Chữa bong gân, sai khớp: rượu ngâm mật trăn hòa với mật gấu, huyết lình, nghệ trắng, rễ ô đầu, hạt gấc giã nát xoa bóp nhiều lần trong ngày.
Lưu ý: Việc dùng mật chế làm thuốc chữa bệnh phải thực hiện đúng quy trình để tránh gây ngộ độc cho người sử dụng.