Tác dụng chữa bệnh của ô mai

10-12-2021 06:47 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Ô mai là vị thuốc từ quả mai chín của cây mai, có công dụng chỉ ho, chỉ khát, sinh tân dịch, chữa đau họng và nhiều chứng bệnh khác.

Quả mai chín sau khi thu hái, được chế biến thành ô mai (mơ đen) hay bạch mai (mơ trắng) tùy vào phương pháp chế biến.

1. Cây mai và vị thuốc ô mai

Cây mai còn gọi là cây mơ, tên khoa học là Prunus armeniaca L. Cây cao khoảng 4-5m, lá mọc so le hình bầu dục, xung quanh mép có răng cưa nhỏ. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, hoa trắng 5 cánh, quả chín vào tháng 3 - 4, mặt ngoài quả có lông tơ mượt như nhung. Khi còn xanh, quả có sắc lục xanh, khi chín sắc vàng đậm, có mùi thơm dễ chịu, thịt quả nhiều và mềm, giữa quả có một hạt.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong thịt quả cây mai có 27 % axit (axit citric, axit tartric), caroten, vitamin C, vitamin B15, tanin, lycopen, pectin, peroxydase, urease, caroten... có tác dụng kích thích quá trình chuyển hóa oxy trong tế bào, làm cho tế bào chóng hồi phục, chậm lão hóa.

Theo y học cổ truyền, ô mai có vị chua, hơi chát, tính ấm, không độc, có công dụng liễm phế, sáp trường, trừ phiền nóng, khô miệng, chữa ho, lỵ lâu ngày không khỏi, đau mình mẩy.

photo-1638848461893

Quả mơ chín cho vị thuốc ô mai

2. Tác dụng chữa bệnh của ô mai trong các y văn cổ

- Ô mai chữa bệnh hư lao, nóng trong xương, hòa với trà và can khương giã nhỏ, làm hoàn mà uống chữa bệnh lỵ tái phát (Chu gia bản thảo).

- Ô mai chữa bệnh phiên vị (chứng trạng đồ ăn vào vị đọng lại không tiêu hóa cuối cùng lại lộn trở ra, biểu hiện hoặc là sáng ăn tối mửa, hoặc tối ăn sáng mửa hoặc ăn vào một hai giờ sau thì mửa hoặc tích đọng qua một ngày đêm lại nôn ra), bệnh ế cách (nghẹn), giải chất độc của cá và chất độc của lưu huỳnh (Lý Thời Trân).

- Uống nước ép ô mai chữa khỏi được bệnh thương hàn, phiền nóng (Đào Hoàng Cảnh).

- Ô mai chữa tiêu khát, trừ đờm, chỉ bệnh hắc loạn ( rối loạn tiêu hóa) - (Trần Tăng Khi).

- Ô mai liễm phế, sáp trường làm mềm gân xương, tán lại sát trùng, nên các bệnh tả lỵ lâu ngày không khỏi đều chữa được (Hoàng Cung Tú).

photo-1638848464960

Vị thuốc ô mai được đưa vào sử dụng

3. Bài thuốc có vị thuốc ô mai 

3.1.Cao ô mai:

Ô mai 2500g, sắc bỏ hạt, cô thành cao 500g. Mỗi lần uống 9g, hoà tan trong nước sôi, có thể thêm đường hoặc c thế uống, ngày 3 lần. Dùng cho người bị bệnh ngứa da, da bong vẩy khuỷu tay và đầu gối.

3.2. Trà ô mai gừng tươi:

Gừng tươi 10g, ô mai 30g, chè xanh 5g. Ô mai bỏ hạt cắt nhỏ, gừng tươi rửa sạch thái sợi, cả 3 vị hãm với nước sôi trong bình kín 30 phút, thêm đường đỏ ngọt vừa, uống nóng, ngày 3 lần. Dùng cho người bị lỵ trực khuẩn và lị a mip.

3.3. Trà ô mai muối

Ô mai 10-20g, muối ăn, đường vừa đủ. Hãm với nước sôi, uống nhiều lần thay trà. Dùng cho người sau khi bay sởi, ra nhiều mồ hôi.

3.4. Ô mai ướp đường phèn

Ô mai 250g, đường phèn 250g. Ô mai cho nước vừa phải ngâm nở hết cỡ, nấu cho chín dở vớt ra bỏ hạt, cho đường phèn vào, nấu tiếp 10 -15 phút. Để nguội rắc 1 lớp áo đường trắng bên ngoài, đựng vào bình dùng dần. Dùng cho người đau bụng giun, tiêu chảy, kiết lỵ, người bệnh đái tháo đường, ăn uống kém.

3.5. Cháo ô mai

Ô mai 20-30g, gạo lức 150g, đường phèn vừa đủ. Ô mai sắc lấy nước đặc, cho gạo lức vào nấu cháo, cháo chín cho đường phèn vào quấy đều, đun thêm 1 lát là được. Chia ăn trong ngày. Dùng cho người viêm họng mạn tính, tiêu chảy, kiết lị, đại tiện ra máu, tiểu ra máu, hư nhiệt phiền khát.

3.6. Cháo ô mai bách hợp

Ô mai 20g, gạo lức 150g, bách hợp 20g. Đường phèn vừa đủ. Ô mai sắc với 400ml nước, bỏ bã, cô lại còn 200ml. Gạo lức vo đãi sạch, cùng nước thuốc và bách hợp, cho thêm nước, nấu cháo, cho đường phèn vào. Chia ăn trong ngày. Dùng cho người ho lâu ngàyho có đờm.

3.7.Trà ô mai

Ô mai 50g, hãm nước sôi, uống thay trà. Hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.

3.8. Thuốc bột ô mai, hồ tiêu, chè khô

Ô mai 8g, hồ tiêu 10 hạt, chè 5g. Nghiền chung thành bột, uống với nước sôi, ngày 1-2 lần, uống liền 5 - 6 ngày. Dùng cho người bị lỵ trực khuẩn th hư hàn, đi ngoài phân ít, lẫn mũi lẫn mủ, máu, bệnh tái đi tái lại, lâu ngày không dứt, đau bụng triền miên.

3.9. Thang ô mai, đường phèn

Ô mai 10 quả, đường phèn 50g. Sắc làm thang, uống thay trà. Dùng cho người bị bệnh phiền nhiệt, ra nhiều mồ hôi.

Mời bạn xem thêm video tin tức COVID-19:

BS Vũ Quốc Trung
Ý kiến của bạn