Tác dụng chữa bệnh của ngũ gia bì

09-05-2015 09:08 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Đông y coi ngũ gia bì là một vị thuốc có tác dụng mạnh gân cốt, khu phong hóa thấp chủ trị đau bụng, yếu chân... Theo tài liệu cổ, ngũ gia bì vị cay, tính ôn vào 2 kinh can và thận.

Hỏi: Xin cho hỏi cây ngũ gia bì dùng chữa bệnh gì?

(Lê Văn Hải - TP.HCM)

Trả lời: Ngũ gia bì còn gọi là xuyên gia bì, thích gia bì (ngũ gia bì gai).

Tên khoa học Acamthoppanax aculeatus Seem. Acanthopanax aculeatum Hook. Acanthopanax trifoliatus (L). Merr.

Thuộc họ Ngũ gia bì Araliaceae.

Ngũ gia bì (Cortex Acanthopanacis), là vỏ rễ phơi khô của cây ngũ gia bì. Vì lá có 5 lá chét to chụm vào với nhau và chỉ dùng vỏ rễ làm thuốc do đó có tên như vậy. Ngoài vị trên ra, tên ngũ gia bì còn chỉ nhiều vị khác nhau. Cần chú ý tránh nhầm lẫn.

Mô tả cây

Ngũ gia bì là cây nhỏ, rất nhiều gai, cao chừng 2 - 3m. Lá mọc so le, kép chân vịt có từ 3 - 5 lá chét, phiến lá chét có hình bầu dục hay hơi thuôn dài, phía cuống hơi thót lại, đầu nhọn mỏng, mép có răng cưa to, cuống lá dài từ 4 - 7cm. Hoa mọc khác gốc, thành hình tán ở đầu cành. Đầu mùa hạ ra hoa nhỏ màu vàng, xanh. Quả mọng, hình cầu, đường kính chừng 2,5mm, khi chín có màu đen.

Phân bố, thu hái và chế biến

Ngũ gia bì mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, hay gặp nhất là ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Sapa (Lào Cai), Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Tây, Tuyên Quang. Có mọc ở Trung Quốc (Quảng Châu, Tứ Xuyên).

Thường đào cây vào mùa hạ hay mùa thu, lấy rễ, bỏ gỗ, lấy vỏ, phơi khô là được. Khi dùng để sống hoặc sao vàng sắc uống.

Vị thuốc thường là những cuộn ống nhỏ, dài ngắn không đều, dày chừng 1mm, vỏ ngoài màu vàng nhạt, mặt trong màu xám trắng, dai, mặt phồng có những điểm vàng nâu. Mùi không rõ.

Công dụng và liều dùng

Đông y coi ngũ gia bì là một vị thuốc có tác dụng mạnh gân cốt, khu phong hóa thấp chủ trị đau bụng, yếu chân, trẻ con chưa biết đi, con trai âm suy (dương sự bất cử, con gái ngứa âm hộ, đau lưng, tê chân, làm mạnh gân cốt, tăng trí nhớ ngâm rượu uống rất tốt. Theo tài liệu cổ, ngũ gia bì vị cay, tính ôn vào 2 kinh can và thận.

Ngày dùng 6 -12g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.

Đơn thuốc có ngũ gia bì:

Rượu ngũ gia bì:

Ngũ gia bì sao vàng 100g, rượu 1 lít. Ngâm trong 10 ngày thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống 1 cốc con vào buổi tối trước bữa cơm chiều, chữa đau người, đau lưng, đau xương.

Đơn thuốc dùng cho phụ nữ:

Ngũ gia bì, mẫu đơn bì, xích thược, đương quy mỗi vị 40g. Tán nhỏ. Ngày uống hai lần, mỗi lần 4g chữa những phụ nữ bị lao lực, bị mệt mỏi, hơi thở ngắn, sốt ra nhiều mồ hôi, không muốn ăn uống.

Chú thích: Tên ngũ gia bì còn dùng để chỉ nhiều vị thuốc khác nhau, cần chú ý để tránh nhầm lẫn.

(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)

GS. ĐỖ TẤT LỢI

 


Ý kiến của bạn