Tác dụng chữa bệnh của lá xương sông

30-10-2023 13:57 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Hầu hết mọi người rất quen thuộc với món chả xương sông, nhưng ít ai biết và sử dụng lá xương sông như một vị thuốc chữa bệnh.

1. Tác dụng của lá xương sông với sức khỏe

Xương sông tên gọi khác là xang sông, hoạt lộc thảo. Tên khoa học là Blumea nyriocephala DC, họ Cúc.

Cây xương sông là một cây thân thảo, cao 1m hoặc hơn. Lá hình ngọn giáo, sống lá dài, phần gốc lá thuôn dài, phần đầu lá nhọn, mép lá có răng cưa. Bộ phận mang lại tác dụng chữa bệnh là lá xương sông.

Lá xương sông có thể dùng tươi hoặc phơi khô trong bóng râm. Trong nhiều nghiên cứu, lá xương sông chứa 0,24% tinh dầu, thành phần methylthynol 44,9%, ngoài ra P- cymama (0,12%).

Theo y học cổ truyền, lá xương sông có vị cay, tính ấm quy kinh phế. Lá có tác dụng: Trừ tanh hôi, trừ phong thấp, chỉ thống, tiêu thũng, thông kinh lạc, tiêu đàm thấp, kích thích tiêu hóa.

2. Bài thuốc từ xương sông

- Chữa thấp khớp: Khi bị đau xương khớp có thể lấy lá xương sông giã nát sao nóng rồi chườm lên vùng đau nhức. Số lượng lá tùy thuộc vào vùng đau nhỏ hay lan rộng, không dùng cho vết thương hở, nhiễm trùng.

- Chữa ho do cảm lạnh: Lá xương sông, húng chanh, lá hẹ 10g mỗi thứ, cho hấp cùng với mật ong, ngậm nhiều lần trong ngày.

photo-1698567922676

Lá xương sông có tác dụng chữa ho.

- Chữa đầy bụng, khó tiêu: 30g lá xương sông, 30g tía tô, sinh khương 10g, hậu phác 10g, chỉ xác 10g, trần bì 10g. Sắc với 3 bát nước, sôi trong 10 phút, rót ra bát uống dần.

- Chữa dị ứng ngoài da, nổi mề đay: Lá xương sông, lá khế 10 lá, lá chua me đất 5 lá. Rửa sạch nguyên liệu, giã nát lấy nước uống, bã xoa lên vùng da nổi mề đay.

- Cải thiện khả năng tình dục: Lấy thịt con trai băm nhỏ, trộn với thịt băm và lấy lá xương sông gói lại, nước chín ăn 10-15 ngày.

- Giảm mỡ máu: Thịt bò băm nát (hoặc xay nhuyễn) gói với lá xương sông ăn giảm mỡ máu.

- Chữa sởi, ho sốt ở trẻ em: Lá xương sông 10g, lá chua me đất 8g, vỏ rễ dâu 10g, địa cốt bì 10g, kinh giới 8g. Sắc uống trong 7-10 ngày, uống ngày 3 lần sáng, trưa, chiều.

- Chữa sưng họng, viêm amidan: Lấy lá xương sông giã nát (5-10 lá) lấy nước ngậm trong miệng 3-5 phút rồi súc miệng cho sạch. Nếu thấy vị khó chịu thì pha loãng để ngậm.

photo-1698567924189

Lá xương sông có nhiều công dụng với sức khỏe.

- Chữa chảy máu cam: Dùng 2-3 lá xương sông rửa sạch, vò nát, nhét vào lỗ mũi đang chảy máu rất công hiệu.

- Chữa đau nhức răng: Sử dụng 20g rễ xương sông rửa sạch, phơi khô, hoàng liên 10g, cho vào chai ngâm với rượu khoảng 10 ngày, bôi vào răng lợi, để 2-3 phút rồi súc miệng sạch sẽ.

3. Lưu ý khi sử dụng lá xương sông

  • Không dùng cho những người cơ địa dị ứng với vị thuốc.
  • Bạn có thể sử dụng lá xương sông trồng tại vườn nhà, nếu cần phải mua lá khô để dùng, thì nên chọn cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng thảo dược. Khi sử dụng phải rửa sạch để tránh giun sán, ký sinh trùng.
  • Khi đắp lá phải kiểm tra độ nóng, tránh bỏng da.
  • Trong quá trình sử dụng, nếu xuất hiện tác dụng phụ như táo bón, đau đầu hoặc bệnh không thuyên giảm hay nặng lên thì cần thông báo cho bác sĩ chuyên khoa hoặc đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Mời bạn xem tiếp video:

Lá xương sông có tác dụng gì? | SKĐS


BS. Vũ Duy Thành
Ý kiến của bạn