Toàn cây được sử dụng làm thuốc, thân cây có lá chứa 87,7% nước, 5,3% protein, 1,2% glucid và khoáng toàn phần 2,2%. Ngoài ra cây có các muối khoáng như: calcium, phospho, vitamin C …
Rau muối có vị ngọt, tính bình, mùi thơm, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, nhuận tràng, sát trùng, điều hòa các khí, làm thông ấm tỳ vị, chữa đau bụng, phong lở, đau răng, đầu gối và bàn chân sưng nhức.
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian
- Chữa đau răng, viêm chân răng: Lấy 20g lá rau muối, rửa sạch, cho 400ml nước, sắc đặc còn 100ml nước, ngậm và súc miệng thường xuyên sẽ hiệu nghiệm (sau mỗi lần ngậm hay súc miệng phải nhổ đi không được nuốt).
Cây rau muối chữa phong lở, đau răng. |
- Chữa đau bụng do lạnh:
Rễ cây rau muối 20g, rửa sạch. Cho 500ml nước sắc còn 150ml nước, chia 2 lần uống trong ngày. Uống lúc còn ấm, dùng liền 5 ngày.
- Chữa cước khí đầu gối, bàn chân đau nhức: Lá rau muối 20g, cho 500ml nước sắc còn 100ml nước, chia 3 lần uống nóng trong ngày, cách nhau mỗi lần 3 giờ. Dùng 5 - 10 ngày. Kết hợp với ngâm chân. Lấy cả cây rau muối (1 nắm to), rửa sạch cho vào nồi đổ ngập nước, đun sôi khoảng 15 phút. Để nước ấm (tránh bị nóng gây bỏng) ngâm chân 15 phút, ngâm cho nước đến nguội (có thể chế thêm nước cho nóng). Sau đó, lau khô chân và xoa bóp 2 bàn chân, đặc biệt gan bàn chân (xoa bóp 5 phút). Làm như vậy nhiều lần sẽ rất tốt.
Lương y Phó Hữu Đức