Hoa và quả mùi. |
Cây trong ảnh mà ông gửi đến tòa soạn là cây rau mùi (Nam Bộ gọi là ngò rí), còn gọi là hồ tuy, hương tuy... Tên khoa học là coriandrum sativum L. thuộc họ hoa tán. Cây mùi được trồng rất nhiều ở nước ta, thường được dùng làm gia vị hoặc nấu nước tắm trong ngày Tết. Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS. Đỗ Tất Lợi, cả rễ, lá và quả mùi đều là vị thuốc chữa bệnh vì có chứa tinh dầu, trong đó quả chín phơi hay sấy khô của cây mùi là bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu. Thu hái khi quả chín, phơi hoặc sấy khô để dùng dần, khi khô, quả mùi mất mùi hôi trở nên thơm dễ chịu. Quả mùi là vị thuốc chữa bệnh trong Đông và Tây y. Tây y dùng quả mùi làm thuốc trung tiện, kích thích tiêu hóa, dùng trong công nghiệp sản xuất nước hoa, làm hương liệu cho chè và rượu mùi. Theo Đông y, quả mùi vị cay, tính ôn có tác dụng phát tán, thúc đậu sởi cho mọc, trừ khí, khu phong, ngoài ra còn dùng làm thuốc giúp tiêu hóa, chữa ho, ít sữa. Liều dùng 4 - 10g quả mùi hoặc 10 - 20g lá cây tươi dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.
Quả mùi được dùng làm thuốc trong những trường hợp sau:
- Đậu sởi không mọc: quả mùi 80g tán nhỏ, rượu 100ml, nước 100ml. Đun sôi, đậy kín tránh bay hơi. Lọc bỏ bã. Phun từ đầu đến chân, trừ mặt. Đậu sẽ mọc ngay (theo kinh nghiệm dân gian).
- Sau đẻ ít sữa: quả mùi 6g, nước 100ml. Đun sôi trong 15 phút, chia 2 lần uống trong ngày.
- Mặt có những nốt đen: quả mùi sắc nước rửa hằng ngày, nốt đen sẽ mất dần.
- Lòi dom: quả mùi đốt hun lấy khói hứng vào nơi dom lòi ra.
Kiêng kỵ: Người có chứng sâu răng, hôi mồm không nên dùng.
BSGĐ