Tác dụng bất lợi của miếng dán chống say xe

09-12-2018 06:49 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Tôi bị say xe ôtô nên thường phải dùng thuốc chống say. Hôm rồi tôi dán miếng dán chống say ở ngay vành tai thì đỡ say. Nhưng 3,4 ngày sau đó tôi vẫn còn cảm giác lơ mơ, hoa mắt, chóng mặt và không thể tập trung làm được việc gì. Mong bác sĩ giải thích giùm về tình trạng này?

Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội)

Miếng dán dùng dán sau tai để chống say tàu xe là loại thuốc điều trị ngấm qua da, có tác dụng toàn thân, không khác gì thuốc uống. Miếng dán có chứa dược chất scopolamin. Khi dán lên da (vùng sau tai), thuốc sẽ thấm dần xuyên qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào máu với một lượng đủ có tác dụng chống co thắt, giảm sự kích thích đưa đến hóa giải buồn nôn và nôn do say tàu xe.

Theo thư chị mô tả thì nhiều khả năng đó là các tác dụng phụ của miếng dán chống say xe. Dạng thuốc dán xuyên da có nhiều ưu điểm nhưng có thể gây các tác dụng phụ rất khó chịu. Do miếng dán được dán ngay sau tai nên thuốc ngấm vào tĩnh mạch não nhanh rồi tác dụng ngay lên các cơ quan của não. Cụ thể, tác dụng bất lợi của miếng dán chống say xe gây ra cho người sử dụng là: liệt đối giao cảm (do tác động đến hệ thần kinh), làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn điều tiết mắt (làm mắt nhìn mờ, hoa mắt)... Nếu dùng miếng dán chống say cho trẻ em thì phải sau nhiều ngày (có khi cả tuần), các cảm giác khó chịu mới hết hẳn.

Cần lưu ý về cách dùng như: Thời điểm dán, dán trong bao lâu, nơi dán, khoảng cách giữa hai lần dán... để hạn chế các tác dụng phụ có thể gặp phải. Nên dán miếng dán vào vùng da khô sau tai từ 4 - 6 giờ trước khi khởi hành, để thuốc trong miếng dán thẩm thấu qua da và phát huy tác dụng. Không được dán ở nơi da bị kích thích hay trầy xước vì sẽ làm tăng sự thẩm thấu qua da của hoạt chất này và có thể gây ngộ độc. Không dùng miếng dán chống say xe cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Trẻ em 8 - 15 tuổi thì dùng nửa miếng dán.

Khi dùng miếng dán chống say xe mà thấy có triệu chứng bất thường như: nhìn mờ, hoa mắt, nhức đầu, ảo giác... thì phải bóc miếng dán khỏi da. Nếu có triệu chứng khác lạ, cần tới bác sĩ khám để được can thiệp kịp thời.


DS. Nguyễn Thanh Lâm
Ý kiến của bạn