Tác động và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng và toàn cầu

06-12-2012 09:23 | Thời sự
google news

Tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến sức khỏe con người thông qua mối quan hệ trao đổi vật chất, năng lượng giữa cơ thể người với môi trường xung quanh, dẫn đến những biến đổi về sinh lý, tập quán, khả năng thích ứng và những phản ứng của cơ thể đối với các tác động đó.

Tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến sức khỏe con người thông qua mối quan hệ trao đổi vật chất, năng lượng giữa cơ thể người với môi trường xung quanh, dẫn đến những biến đổi về sinh lý, tập quán, khả năng thích ứng và những phản ứng của cơ thể đối với các tác động đó. Các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí tăng gây nên những tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người, dẫn đến gia tăng một số nguy cơ đối với tuổi già, những người mắc bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, dị ứng.

Tác động và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng và toàn cầu 1
Lũ lụt là một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu.

Tác động gián tiếp của BĐKH đến sức khỏe con người thông qua những nguồn gây bệnh, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch như bệnh cúm A/H1N1, cúm A/H5N1,  tiêu chảy... BĐKH làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang bệnh (ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve). BĐKH là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện trở lại của một số bệnh truyền nhiễm ở vùng nhiệt đới (sốt rét, sốt Dengue, dịch hạch, dịch tả, viêm não Nhật Bản), xuất hiện một số bệnh truyền nhiễm mới (SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1), thúc đẩy quá trình đột biến của virut gây bệnh cúm A/H1N1, H5N1 nhanh hơn. Phát thải khí nhà kính ngày càng tăng là nguyên nhân chủ yếu của xu thế ấm lên toàn cầu, tầng ozon bị phá hủy dẫn đến sự tăng cường độ bức xạ tử ngoại trên mặt đất, là nguyên nhân gây bệnh ung thư da và các bệnh về mắt. Nhiệt độ không khí tăng cao trực tiếp làm tăng tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch và hô hấp, đặc biệt ở người cao tuổi. Ví dụ, trong đợt nóng của mùa hè 2003 ở châu Âu, có hơn 70.000 ca tử vong được ghi nhận 

Nhiệt độ cao cũng làm tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, do đó làm trầm trọng thêm bệnh hô hấp, bệnh tim mạch. Trên thế giới, có khoảng 1.200.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí đô thị. Phấn hoa, nồng độ các dị ứng nguyên khác trong không khí cũng cao hơn ở nhiệt độ cực đoan. Đây có thể là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ bệnh hen suyễn, làm ảnh hưởng đến khoảng 300.000.000 người trên trái đất hiện nay. Nếu nhiệt độ môi trường sống tiếp tục gia tăng thì dự kiến sẽ tăng gánh nặng này.

BĐKH cũng làm thay đổi vector truyền bệnh: BĐKH sẽ ảnh hưởng đến bệnh truyền qua nước, bệnh truyền qua côn trùng và qua các vật chủ trung gian khác như ốc sên hoặc loài động vật máu lạnh khác.

BĐKH có khả năng kéo dài mùa của các vector truyền bệnh quan trọng và thay đổi phạm vi địa lý của chúng. Ví dụ, BĐKH có xu hướng làm mở rộng đáng kể diện tích lưu hành các bệnh schistosomiasis-ốc ở Trung Quốc.

Sốt rét chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất của BĐKH. Truyền qua muỗi Anopheles, sốt rét giết chết gần 1.000.000 người mỗi năm - đặc biệt là ở châu Phi, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. 

BĐKH và sức khỏe tâm thần: Nhiều nhà nghiên cứu về sức khỏe tâm thần đã cảnh báo rằng một trong những hệ quả quan trọng của BĐKH là ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần. Các triệu chứng này sẽ được cảm nhận nhiều nhất bởi những người có sẵn biểu hiện bệnh tâm thần, nhưng đó cũng là khả năng gia tăng gánh nặng chung về chứng rối loạn tâm thần trên toàn thế giới.

Hoa Mai

(Theo tài liệu của WHO và Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế)



Ý kiến của bạn