Hà Nội

Tác động của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đối với sự phát triển bền vững ngành thủy sản

13-11-2020 21:41 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 13/11 diễn ra hội thảo “Tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đối với sự phát triển bền vững ngành thủy sản”. Hội thảo do Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội tổ chức. Hội thảo có sự góp mặt của ông Paul Jansen, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, các diễn giả từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương,…

Tôm, cá tra và cá ngừ là những mặt hàng thủy sản thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU

Mục tiêu của hội thảo là chia sẻ các nhận định tiềm năng, khó khăn, thách thức, các rào cản kỹ thuật trong thương mại thủy sản Việt Nam-EU trước bối cảnh thực thi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Bên cạnh đó hội thảo cũng thảo luận về các vấn đề xoay quanh sự phát triển bền vững của ngành thủy sản. Hội thảo là cơ hội để các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các đối tác có liên quan và các trường đại học, các viện nghiên cứu chia sẻ quan điểm dưới các góc nhìn khác nhau. Một số kết quả nghiên cứu của các trường đại học, các viện nghiên cứu liên quan đến các giải pháp tạo sản phẩm an toàn thực phẩm, phương thức sản xuất thủy sản bền vững cũng được chia sẻ trong hội thảo.

EU là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng 2 của Việt Nam

Tại hội thảo, TS. Đào Trọng Hiếu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Trong đó, tôm chiếm gần 50%. Tôm là một trong 5 mặt hàng được ưa chuộng nhất tại EU (sau cá ngừ, cá tuyết, cá hồi và cá minh thái). Một số sản phẩm EU ưa chuộng lại không phải là lợi thế của Việt Nam.

EU cũng là thị trường tiêu thụ cá tra hàng đầu của Việt Nam, thị trường xuất khẩu cá ngừ và tôm đứng thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ); và đứng thứ 3 về xuất khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam.

Tôm là 1 trong 5 mặt hàng thủy sản được người dân EU ưa chuộng nhất.

Dự báo 5 năm tới, nếu thẻ vàng được gỡ bỏ và tận dụng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA (có vị thế cạnh tranh tốt hơn), với kịch bản trên, dự báo kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang EU 5 năm tới sẽ ở mức 1,2-1,5 tỷ USD/năm. Chúng ta có thể tận dụng cơ hội EVFTA mang lại nhờ 50% mặt hàng thủy sản thuế quan về 0 khi EVFTA có hiệu lực và 50% còn lại giảm về 0 theo lộ trình 3-7 năm.

Ngoài xuất khẩu, Việt Nam cũng nhập khẩu nguồn nguyên liệu thủy sản từ EU để chế biến và xuất khẩu ngược trở lại thị trường EU.

Nói về Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA): cơ hội và thách thức đối với nuôi trồng thủy sản bền vững, đại diện của Đại học Liège, Bỉ nhận định EVFTA là Hiệp định win-win (có lợi) cho cả hai bên, mang lại môi trường bình đẳng, cơ hội cân bằng và bảo vệ các nhà đầu tư của cả hai bên. Việc cắt giảm thuế quan mang lại lợi ích cho xuất khẩu thủy sản.

Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) và Quy định IUU:

TS. Phan Thị Thu Hiền, Đại học Ngoại thương nêu lên thách thức đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong đó hai thách thức lớn nhất là Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O: Certificate of Origin) và Quy định IUU (Liên minh châu Âu (EU) có Luật IUU áp dụng chung cho 28 nước thành viên và tất cả các quốc gia khác khi muốn xuất khẩu thủy sản đến EU. Luật này cấm hành vi khai thác trái phép, khai thác không khai báo, khai báo không đúng, để bảo vệ tài nguyên biển). TS.Phan Thị Thu Hiền cho biết quy tắc xuất xứ về nuôi trồng chứ không bắt buộc về con giống. Đây là điều khiến các doanh nghiệp nên tuân thủ các quy tắc xuất xứ EVFTA.

Sau 2 tháng rưỡi kể từ thi Hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực (từ ngày 1/8/2020), kim ngạch thủy sản Việt Nam hưởng ưu đãi C/O của EU đạt 183,4 triệu USD. Thủy sản là 1 trong 10 mặt hàng xin được C/O cao nhất kể từ khi EVFTA đi vào hiệu lực. Bộ Công thương đã hỗ trợ doanh nghiệp nhiều về quy tắc xuất xứ đối với thủy sản, hỗ trợ và giải đáp các vấn đề vướng mắc để doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào EU.

Tuân thủ các quy định về thương mại khi xuất khẩu vào EU là điều rất quan trọng để đảm bảo tính bền vững. Việt Nam thực sự còn nhiều cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU. Thị trường EU có nhiều quy tắc về mặt pháp lý buộc doanh nghiệp phải đáp ứng, chẳng hạn như quy định IUU. Về khuôn khổ pháp lý, EU đi đầu về thiết lập IUU, dù quy định IUU của EU rất riêng và khó tính nhưng cũng rất hài hòa.

Nguồn nhập khẩu nguyên liệu để chế biến của Việt Nam đang có xu hướng tăng. Nguồn cung cũng có vấn đề đặt ra, đó là nguồn cung đó có hợp pháp theo quy định EVFTA hay không, không chỉ đối với các nước thành viên ký Hiệp định thương mại song phương với EU mà cả nước thứ 3 tham gia vào chuỗi cung ứng. Nếu vi phạm, EU sẽ có lệnh cấm tham gia vào chuỗi phân phối thủy sản trên thị trường EU. (Ví dụ như tàu các nước khác chuyển hải sản vào Việt Nam thì nước đó cũng phải là thành viên ký FTA với EU chẳng hạn hoặc đảm bảo quy tắc IUU,….). EU quy định rõ từng chủ thể không được làm gì để vi phạm xuất xứ nguồn gốc của EU.

Sau khi Việt Nam bị áp thẻ vàng về IUU vào năm 2017, EU đưa ra khuyến nghị giúp Việt Nam vượt qua. Việt Nam đã có Luật Thủy sản năm 2017, quy định chi tiết liên quan tới IUU, lắp đặt thiết bị theo dõi hành trình trên biển. 100% tàu cá đã cam kết lắp đặt. Về vấn đề truy xuất nguồn gốc, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã đáp ứng khá đầy đủ (Luật Thủy sản, Thông tư 21), EU khuyến cáo Việt Nam đẩy mạnh thực thi thông qua kết nối.

Rào cản thương mại đối với sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu vào EU

Thạc sỹ Phạm Thùy Linh, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản Việt Nam, Bộ NN & PTNT cho biết tôm là sản phẩm chiếm đến 50% cơ cấu thị phần thủy sản xuất khẩu sang EU. Tôm được nhận định là sản phẩm quan trọng thứ 2 sau cá fillet. Hiện nay, thị phần xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU còn khiêm tốn so với Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan. Đây là thị trường tiềm năng sau khi EVFTA thực thi trong các năm tới. Một số mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu có mức thuế từ 12%-20% sẽ về 0% như tôm sú đông lạnh (so với mức thuế GPS – là mức thuế ưu đãi của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển 4,2% được áp dụng trước đó), tạo ra nhiều lợi thế cho tôm Việt Nam so với tôm Thái Lan hay tôm Ấn Độ. Mức thuế tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm.

Đơn đặt hàng vào tháng 8 năm nay (thời điểm EVFTA đi vào hiệu lực) đã tăng khoảng 10% so với tháng 7.

EU đã công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam, công nhận NAFIQAD là cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trong kiểm soát thủy sản nhập khẩu vào EU.  Các lô hàng xuất khẩu vào EU được thẩm định, lấy mẫu kiểm nghiệm và cấp chứng thư an toàn thực phẩm…

Tuy nhiên, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU vẫn còn là sản phẩm thô. EU là thị trường rộng lớn, đơn đặt hàng nhiều trong khi Việt Nam sản xuất nhỏ lẻ và bỏ lỡ nhiều đơn hàng. Trong chiến lược 2030-tầm nhìn 2045 tính đến bài toán nhập khẩu nhiên liệu đầu vào. Việt Nam hiện tại còn phụ thuộc vào EU và chưa thiết lập được hệ thống phân phối trên thị trường EU. Một số rào cản doanh nghiệp cần vượt qua như có chuỗi cung ứng vật tư bài bản, cung ứng giống đảm bảo con giống không bị ảnh hưởng dư lượng kháng sinh. Một vài đề xuất chẳng hạn như hoàn thiện chính sách pháp lý giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản, áp dụng các quy chuẩn VietGap,  Global Gap trong chứng nhận sản phẩm, phòng vệ rủi ro trong khâu sản xuất, tem nhãn sản phẩm công khai, tăng cường đầu tư công nghệ,…


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn