Hà Nội

Tác động của đại dịch COVID-19, Philippines đối mặt với cuộc khủng hoảng về giáo dục

15-03-2021 18:11 | Quốc tế
google news

SKĐS - Theo ông Isy Faingold, Giám đốc giáo dục của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Philippines, đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến tất cả các hệ thống trường học trên thế giới, nhưng ở Philippines tình hình tồi tệ hơn cả. Nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại, học sinh ở đây sẽ bị tụt lại phía sau, thậm chí nhiều em sẽ không bao giờ quay lại lớp học.

Em học sinh lớp 4 tên Andrix Serrano- sống cùng bà trong một căn nhà lụp xụp ở thủ đô Manila, Philippines. Cũng giống như nhiều bạn học của mình, em học sinh Serrano không có internet để  học trực tuyến tại nhà bởi ngôi trường của em cũng đã bị đóng cửa rất lâu để phòng dịch.

Một năm sau đại dịch COVID-19, Philippines hết đợt này đến đợt khác, vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng phong tỏa, giãn cách kéo dài. Trong thời gian nhiều tháng dòng, các lớp học trên khắp Philippines vẫn không được mở cửa trở lại, trẻ em vẫn mắc kẹt ở nhà. Trong bối cảnh đó, buộc trường học cũng như các em học sinh và thầy cô giáo phải dạy và học trực tuyến nhưng nhiều em học sinh không thể tham gia các lớp học do không có mạng internet hay máy tính. 

Giáo viên Philippines tham gia dạy học trực tuyến cho học sinh

Để giải quyết tình trạng này, ngành giáo dục Philippines đã xây dựng một chương trình học trực tuyến kết hợp với học trên truyền hình, học qua mạng xã hội, qua các tài liệu được in ra và gửi tới các phụ huynh. Nhưng đây chỉ là những biện pháp tình thế bởi thực tế cho thấy nó không có nhiều hiệu quả đáng kể.

Giáo viên khoa học của cậu bé lớp 4 nói trên, Kristhean Navales cho biết, thầy dạy học trên Facebook Messenger, lớp học thực tế có 43 học sinh nhưng khi học trên mạng lớp của thầy có chưa đầy một nửa học sinh vào học. Học sinh chỉ có thể sử dụng biểu tượng cảm xúc (icon trái tim, like) để báo hiệu hiểu bài hay chưa. Học sinh của thầy không phải ai cũng có internet và không phải lúc nào mạng cũng đủ mạnh để học trực tuyến bẳng video. Thêm vào đó, các môn học như toán hay khoa học đòi hỏi phải có sự tương tác không thể thực hiện chỉ qua chat Facebook Messenger.  Những học sinh không thể tham gia lớp học trực tuyến sẽ học thông qua các tài liệu tóm tắt được in và gửi tới phụ huynh. 

Thầy giáo Kristhean Navales sử dụng công cụ Facebook Messenger dạy học trực tuyến

Theo kế hoạch Philippines sẽ mở cửa trở lại trường học vào tháng 1, tuy nhiên dự định này đã không thành do nước này lại xuất hiện các biến thể mới của virus gây bệnh COVID-19 tấn công liên tiếp, khiến số ca mắc bệnh và tử vong gia tăng trở lại. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại đóng cửa trường học và ông đã từ chối dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cho đến khi việc tiêm chủng trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên điều này phải mất tới hàng năm.

Phụ huynh học sinh phải đến trường hàng tuần để nhận các bài học cho con

Theo thông tin của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thanh thiếu niên 15 tuổi ở Philippines đứng gần cuối về môn đọc, toán và khoa học. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Philippines  ước tính, từ khi nước này đóng cửa trường học đến nay số học sinh theo học đã giảm hơn 1 triệu học sinh. Nhiều chuyên gia lo ngại, việc đóng cửa trường học nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 sẽ làm gia tăng số trẻ em bị bạo lực tình dục, mang thai tuổi vị thành niên, thậm chí bị các nhóm vũ trang thu nạp…. 

Ông Isy Faingold, Giám đốc giáo dục của UNICEF tại Philippines cho biết, đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến tất cả các hệ thống trường học trên thế giới, nhưng ở Philippines tình hình tồi tệ hơn cả. Nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại, học sinh ở đây sẽ bị tụt lại phía sau, thậm chí nhiều em sẽ không bao giờ quay lại lớp học.

 Nhà tâm lý học lâm sàng về trẻ em Maria Lourdes Carandang cho biết: “Không thể nhìn thấy cũng như tiếp xúc trực tiếp với bạn bè sẽ tác động to lớn đến sự phát triển cảm xúc của trẻ". Nhà tâm lý học đã nhìn thấy mức độ trầm cảm và lo lắng "đáng báo động" ở trẻ em, còn cha mẹ, ông bà thì rất căng thẳng. 

Việc đóng cửa trường học đang tác động đến tất cả học sinh, dẫn tới phân hóa giàu nghèo vốn đã rất nặng nề tại Philippines, giờ đây ảnh hưởng của đại dịch khiến cho việc tiếp cận với giáo dục trở nên bất bình đẳng. Bởi phụ huynh có tiền có thể thuê gia sư hoặc một giáo viên trực tiếp cho con cái của họ.  

 


Hải Yến
Ý kiến của bạn