- Úi giời ơi, được mấy hôm nghỉ Tết, đường xá đô thị được so sánh là “Vắng như đường mùng một Tết” – Hai Phiếm bảo.
- Suốt mấy ngày nghỉ, đường phố cũng thênh thang...
- Nhưng bây giờ nạn kẹt xe lại trở lại, nhiều chỗ không thấy đường, chỉ thấy “dòng sông xe” lừ đừ chảy khiến muốn hát “chảy đi sông ơi” quá!
- Thì tại hạ tầng ta kém trong khi ôtô, xe máy ngày một tăng, không tắc mới là chuyện lạ!
- Sao không bắt chước bên “tây”, cứ cấm tiệt xe máy lưu thông trên đường, ai muốn đi đâu đã có ôtô buýt. Đường vừa thoáng, người lại khỏe vì hàng ngày được đi bộ từ nhà ra bến xe!
- Quá hay nhưng “ta” không phải “tây” vì “tây” ngoài ôtô buýt còn có tàu điện nổi, tàu điện ngầm rồi tàu điện trên cao, ôtô điện đan nhau chằng chịt chứ “ta” đi làm chuyển bến thì từ sáng tới trưa chắc đã tới được cơ quan công sở!
- Thì đầu tư!
- Vâng! Hà Nội “sắp có” tàu điện trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông nhưng dân chỉ hy vọng bằng cách ngắm dãy trụ to vật vã suốt mấy năm nay. TP.HCM sắp có tàu điện ngầm tuyến Bến Thành – Suối Tiên nhưng... ”đợi chờ ta cứ đợi chờ/tháng năm đằng đẵng hững hờ vậy thôi”!
- Đợi mãi cũng phải thấy để được như “Tây”!
- Nhưng bên “tây” không có chuyện đưa đón con đi học, các anh bưu tá đưa thư báo không dùng xe máy, rồi vận chuyển rau, thịt vào thành phố hoặc giao tới các cửa hàng đều dùng ôtô. “Ta” không phải là “tây” khi mà xe máy là một công cụ sinh nhai chứ không chỉ là phương tiện vận chuyển!
- Nghĩa là định bắt chước ngọn mà cái gốc khác nhau thì không thể bắt chước?
- Nếu trẻ học cả ngày, cả tuần ở trường rồi giao thông công cộng chất lượng cao và dày đặc lại rẻ nữa cùng với hệ thống dịch vụ chuyên chở hàng hóa bằng ôtô thuận tiện thì chả bàn, thiên hạ cũng tự giã từ xe máy. Ôtô cá nhân cũng thỉnh thoảng dùng vì đi trong TP leo lên phương tiện giao thông công cộng rẻ và tiện hơn.
- “Ta” không phải là “tây” thật!
Cả Nghĩ