Tá hỏa với nốt ruồi 10 năm trên cánh mũi bỗng "hóa" ung thư da

29-07-2019 13:18 |
google news

SKĐS - Bệnh nhân cho biết, cách đây 10 năm trên sống mũi bệnh nhân xuất hiện một nốt ruồi, vì thấy xấu, “không hợp phong thủy” nên đã ra quán tẩy đi nhưng sau đó thấy ngứa ngáy, khó chịu...

Ngày 28/7/2019, các bác sĩ khoa Ung bướu bệnh viện ở Phú Thọ tiếp nhận một bệnh nhân nam 51 tuổi nhập viện phẫu thuật và điều trị vì ung thư da do mụn ruồi.

Bệnh nhân này kể lại cách đây 10 năm trên sống mũi bệnh nhân xuất hiện một nốt ruồi, vì thấy xấu, “không hợp phong thủy” nên đã ra quán tẩy đi.

Mặc dù đã tẩy nhưng nốt ruồi này không thấy hết mà 2 năm trở lại đây nốt ruồi mọc lại, sưng đỏ, bật máu mỗi khi rửa mặt và không liền, bệnh nhân ngứa ngáy, khó chịu nên quyết định đi khám.

Sau khi được bác sĩ tư vấn làm sinh thiết vùng da, bệnh nhân này nhận kết quả bị ung thư da giai đoạn T1 (giai đoạn sớm) và phải nhập viện phẫu thuật và điều trị. Khối u có kích thước khoảng 1,5 cm khiến bệnh nhân khá bất ngờ và cho rằng, "không thể tin là mình bị ung thư da từ 1 cái nốt ruồi từ 10 năm trước".

Bác sĩ Hứa Văn Đức - Trưởng khoa Ung bướu cho biết: Yếu tố quan trọng để xác định bản chẩn của khối u là thực hiện giải phẫu bệnh, từ đó có phương án điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Với những nốt ruồi ở bất kỳ đâu trên cơ thể không nên tự ý đến các quán cắt tóc, hay spa không có trang thiết bị cần thiết để thực hiện tẩy nốt ruồi.

Người dân nên đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm cần thiết và nghe tư vấn từ bác sĩ. Với những nốt ruồi thường xuyên lở loét, không liền, to lên bất thường cần đến bệnh viện khám.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ung thư da cho bệnh nhân.

Trong thực tế quá trình điều trị, các bác sĩ gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân khăng khăng cho rằng nốt trên mặt là nốt ruồi, nhưng thực tế đó lại là ung thư da. Theo BS. Nguyễn Quang Minh - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, trong số bệnh nhân mắc ung thư da, thể tế bào hắc tố là ác tính nhất.

BS. Minh cho rằng, có khá nhiều bệnh nhân ung thư da khởi phát từ những nốt ruồi, nếu không được điều trị, bệnh phát triển nhanh, di căn, gây ung thư thứ phát ở gan, xương, phổi, não, hệ thống hạch. Nhiều người lại đi tẩy nốt ruồi bằng laser nhưng dưới tác dụng của laser đã khiến tế bào ung thư kích thích và phát triển rất nhanh. Có bệnh nhân khi đến khám, vùng da bị tổn thương, kèm theo di căn hạch bẹn.

Đa số các khối u ác tính thường phát triển nhanh chóng về kích cỡ hoặc độ lớn. Một nốt ruồi cứ lớn dần, đổi màu, gây ngứa ngáy, khó chịu hoặc chảy máu thực sự là dấu hiệu đáng báo động của ung thư nốt ruồi.

Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi trên da có một tổn thương dạng đốm màu đen, đặc biệt là lòng bàn tay chân và lại có các tính chất như méo mó, bở viền không rõ, không đều màu sắc chỗ đậm chỗ nhạt, nổi gờ và đặc biệt là khi nó có tiến triển tăng lên về kích thước theo thời gian thì cần phải tới ngay các cơ sở y tế chuyên về da liễu để được khám và chẩn đoán kịp thời.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn