Ta đi làm ánh sao băng giữa đời

26-07-2009 06:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

Cách đây 6 năm, có một người Mỹ hỏi tôi rất nhiều về Dương Thị Xuân Quý, nhà văn-liệt sĩ, hy sinh khi còn rất trẻ, mới 28 tuổi đời. Lúc đó, mộ chị Quý vẫn chưa tìm được, sách về những tác phẩm và nhật ký của chị vẫn chưa in thành tập đầy đủ như bây giờ

Cách đây 6 năm, có một người Mỹ hỏi tôi rất nhiều về Dương Thị Xuân Quý, nhà văn-liệt sĩ, hy sinh khi còn rất trẻ, mới 28 tuổi đời. Lúc đó, mộ chị Quý vẫn chưa tìm được, sách về những tác phẩm và nhật ký của chị vẫn chưa in thành tập đầy đủ như bây giờ, chưa có dịp tìm hiểu sâu về cuộc đời chị nên tôi hết sức bối rối, chẳng kể được nhiều. Tôi rất ân hận nhận ra rằng, từ một nơi xa xôi người ta còn biết đến chị, mà mình biết còn quá sơ sài. Từ đó, tôi tìm đọc về chị.

Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19/4/1941 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức yêu nước. Khi còn nhỏ, chị theo gia đình lên Thái Nguyên tham gia kháng chiến. Sau giải phóng Thủ đô, chị về Hà Nội học tại Trường Trưng Vương, học trung cấp Mỏ ở Quảng Ninh, rồi học khóa báo chí tuyên truyền do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Tốt nghiệp, chị về làm phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam.

Có lẽ, ngay từ những ngày đầu mới viết văn, chị đã xác định cho mình một hướng đi: Viết về nông thôn, về cuộc sống của những người nông dân “hai sương một nắng” trực tiếp làm ra hạt gạo nuôi sống con người, những người lao động vất vả nhất thời bấy giờ. Lăn lộn trong cuộc sống, nhạy cảm nắm bắt thực tế, chị đã viết một số truyện ngắn về mảng đề tài này như: Sa mạc của tuổi thơ (1963), Mía (1963), Về làng (1964), Đảm đang (1964)... phản ánh sinh động cuộc sống ở miền Bắc lúc bấy giờ. Nhân vật trong truyện, trong bút ký của chị hầu hết là nữ. Những người phụ nữ có những tư duy thời đại: đảm việc nước, chăm việc nhà, mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng đều có điểm chung là cố gắng góp sức mình vào sự nghiệp của dân tộc, (trong các tập Chuyện nhà và Chỗ đứng (1968)...

Cuộc chiến đến hồi quyết liệt, khi đó chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã ra chiến trường, giặc Mỹ đang leo thang ra miền Bắc, cả nước sục sôi căm thù, Dương Thị Xuân Quý, với một ý thức công dân sâu sắc chị đã không thể ngồi yên. Chị xung phong vào tuyến lửa trong khi con gái đầu lòng mới mười sáu tháng tuổi. Vượt Trường Sơn, vào chiến trường làm phóng viên tạp chí Văn nghệ Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn khu 5.

Thời gian ở chiến trường không được bao lâu mà chị đã có 2 truyện ngắn Hoa rừng, Niềm vui thầm lặng (10/1968). Tiếp theo là các bút ký Tiếng hát trong hang đá, Gương mặt thách thức (trong tập Hoa rừng - bút danh Dương Thị Minh Hương). Đọc nhật ký của chị, chúng ta có cảm giác đã chính là một tác phẩm đủ đầy, giọng văn mạch lạc, giàu hình ảnh, sức quan sát phong phú...

Để biết hơn về chị, xin mời bạn đọc hãy tìm đến với Dương Thị Xuân Quý- Nhật ký và tác phẩm (NXB Hội Nhà văn, 2007). Tôi cũng nhờ cuốn sách này mà có thể kể nhiều hơn với một người bạn Mỹ về chị. Nghe những đoạn kể ấy, nhất là câu viết đầu tiên của trang nhật ký “ta đi làm ánh sao băng giữa đời” ông người Mỹ kia đã nước mắt lưng tròng...

Trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày hy sinh của nhà văn- liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam) nhiều bài viết về cuộc đời chị, về tác phẩm văn học chị để lại cho đời đã được gửi đến. Những người có mặt trong lễ tưởng niệm ai cũng xúc động nghe nhắc đến chị, đến những ngày hành quân gian khổ, vượt rừng, lội suối với sức vóc chừng 40 cân của chị. Sức vóc ấy, không chỉ chịu đựng sức nặng của chiếc ba lô đi chiến trường mà còn sức nặng của nỗi nhớ con. Đứa con gái bé bỏng mới hơn 1 tuổi của chị, chị để lại cho bà ngoại chăm sóc. Những người có mặt không thể ngăn được những giọt nước mắt khi nghe Bài thơ tặng con, chị viết nhân ngày bé Dương Hương Ly đầy 2 tuổi (9/12/1968).

Không chỉ trong lễ tưởng niệm đó, mà trong đời sống, ai cũng khó mà cầm được nước mắt khi đọc những dòng nhật ký của chị: “Lại nhận được thư anh Hải và thư nhà... Ly của ta đã nói được hai tiếng một. Và khi bắt đầu nói được như vậy thì con ta đã phải trả lời thế này: - Bố đâu? Đi Nam;- Mẹ đâu? Đi Nam. Ôi thương Ly vô hạn. Cứ nghĩ như vậy là mình lại khóc. Khổ thân con quá. Đời nó có cái mốc thật kỳ lạ. Đẻ ra vừa biết cười là bom đạn. Vừa biết cười lên tiếng là xa bố, vừa nhú răng là sơ tán. Vừa biết gọi mẹ là xa mẹ và vừa biết nói hai tiếng thì nói Đi Nam. Suốt đêm bom và đại bác rung đất. B57, B52 dội xối xả. Sống giữa không khí mặt trận đầy nguy hiểm nhưng cảm giác của mình là say mê và thú vị. Lạ thế. Biết là nguy hiểm nhưng sẵn sàng lao vào, dù có hy sinh. Đời người ai chả chết. Dĩ nhiên mình có nghĩ đến đau khổ của anh và Ly. Nhưng cái gì thì cũng qua thôi. Đó là ý nghĩ của mình khi được phân công đi công tác Quảng Đà... Lo, mình lo chứ. Nhưng mình quyết tâm và mình nghĩ thế này: Dù có chết thì cũng như bao người đã chết thôi. Nghĩ vậy không thấy sợ nữa...”.

Trong những ngày tìm hiểu về cuộc đời và gương hy sinh của chị Dương Thị Xuân Quý tôi nghe được rằng: Đêm 07 tháng 3/1969 nhà thơ Bùi Minh Quốc, chồng của chị cũng đang nằm trong căn hầm chiến đấu ở xã Bình Dương, cách hầm của chị Dương Thị Xuân Quý tại Duy Thành khoảng 30km. Anh trằn trọc không ngủ, nghĩ về đất nước, về những cuộc chia ly hôm nay cho những mùa xuân tương lai, nghĩ đến vợ con... chợt trong anh hiện ra câu nói của vợ, ngày còn ở bên nhau: “Anh đã làm nhiều bài thơ tình vậy mà chưa có bài thơ nào cho em”, thế là cảm xúc ào đến. Và bài thơ Tình ca mùa xuân 1969 ra đời. Viết xong, anh Quốc dự định 2 ngày nữa, nhân có nhiệm vụ sang Duy Thành sẽ đưa tặng vợ. Nhưng nghiệt ngã thay, đêm 8/3, sau hai ngày một đêm nằm hầm, thấy yên tĩnh, chị Dương Thị Xuân Quý mở nắp hầm ngoi lên thì bị một loạt đạn của kẻ thù quật ngã. Ngày 9/3, nhà thơ Bùi Minh Quốc mới biết tin vợ mất. Bài thơ ấy, anh chưa kịp đọc cho chị. Cảm động trước sự hy sinh của một người phụ nữ trẻ tài năng, cảm động về tình yêu của một cặp vợ chồng nơi tuyến lửa và cảm động trước tinh thần chiến đấu cho tương lai của tổ quốc, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã sáng tác bài hát Cuộc đời vẫn đẹp sao dựa trên lời bài thơ Tình ca mùa xuân 1969 đó.   

Bài hát, cho đến hôm nay, trong một giai điệu đẹp và hào sảng, mỗi khi vang lên, không chỉ những người từng góp máu xương, công sức mồ hôi ở chiến trường mà toàn thể con dân nước Việt ai cũng tự hào về một thời anh dũng chống ngoại xâm, cực khổ muôn bề nhưng lòng vẫn tin vào tương lai tươi sáng của đất nước. Đồng thời, mọi người đều nhớ về gương anh dũng hy sinh của Dương Thị Xuân Quý, “chất” xúc tác mạnh mẽ nhất để tác phẩm thơ nhạc đó ra đời: “Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao. Dù đạn bom man rợ thét gào. Dù thân thể thiên nhiên mang nhiều thương tích. Dù xa cách hai nẻo đường chiến dịch. Ta vẫn cùng chung nhau một ánh trăng ngần... Một tiếng chim ngân. Một làn gió thổi. Một sớm mai xuân trên căn hầm dã chiến thấy trời xanh xao xuyến ở trên đầu ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau. Ôi trái tim Việt Nam. Như mặt trời trước ngực, giữa thế kỷ hai mươi cháy rực, sáng ngàn năm, ngàn năm”.

Vâng. Thưa nhà văn- liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, cuộc đời vẫn đẹp hôm nay là bởi nhờ những hy sinh bảo vệ Tổ quốc của những con người như chị hôm qua. Chúng tôi, thế hệ những người cầm bút sau chị, luôn noi gương hy sinh của chị, nguyện sống và viết vì tổ quốc thân yêu này.

Thu Thủy


Ý kiến của bạn