Tôi nghĩ, với người làm thơ thì không có gì chứng minh mình rõ hơn bằng các tác phẩm thi ca. Qua thơ, bạn đọc nhận ra tâm hồn, lý trí, cuộc sống nội tâm và tài năng của người sáng tác, bởi thơ ở thời nào cũng là nơi lưu giữ tâm hồn của thi sĩ, là nhịp cầu tình cảm nối người này với người khác. Sự lan tỏa thành thật của những bài thơ chứng tỏ một phần mức độ thành công hay thất bại của tác giả.
Bìa tập thơ Mỗi ngày sau một ngày.
Khi đọc thơ của ai đó, trước hết, tôi thường lắng nghe sự thật - giả về cảm xúc trong tác phẩm. Khi gặp đúng cái thật, trong ta sẽ bật lên những rung động rất tự nhiên, tựa hồ như gió thổi vào cây làm nên xào xạc rì rào, như nắng chiếu vào sương ánh lên sự lung linh vậy. Tuy nhiên, cảm xúc thật ấy phải được cộng hưởng vào tài hoa sáng tạo để những tứ thơ, hình ảnh, ngôn từ mang dấu ấn của riêng mình, chỉ mình mới có. Cái khó của thi ca nằm ở đó và không phải ai, không phải lúc nào cũng làm được. Đọc kỹ Mỗi ngày sau một ngày, tôi nghĩ, sức cuốn hút, níu náu của thơ Trần Nhật Lam không nằm trong sự mới lạ về hình thức; chắc chắn là như thế.
Đọc tập thơ mới này của anh, tôi gặp lại khá nhiều điều quen thuộc về nội dung và hình thức (muốn nói tới hiện thực cuộc sống và cách diễn đạt truyền thống). Ở anh, thơ hướng nội hay hướng ngoại đều có nhưng phổ biến trong tập này vẫn là hướng ngoại. Nhà thơ quan tâm đến xã hội, đến những người quanh mình với trách nhiệm công dân đầy đặn. Trong tập Mỗi ngày sau một ngày, có khá nhiều bài anh viết từ cảm hứng về đất nước, lịch sử dân tộc và người lao động. Đó là các bài Qua vùng quan họ, Bài thơ nhớ Bác, Tặng một người thợ sông Đà, Lời người đánh cá, Đi trên gạch vỡ, Pháy cùng đồng đội ký lên cờ, Có một xã Bảo Lâm, Con chim câu bay xa, Trong đêm ngọn lửa nói điều chi, Thơ về một chặng đường, Mẹ Tằm, Má…
Sự quen thuộc dễ dàng nhận ra trong những thi ảnh: Rừng ơi/ Rừng là khoảng sáng/ Sáng bừng, sáng rỡ trong tôi/ Những khuôn mặt gái trai/ Năm đánh Mỹ, mở con đường ra trận/ Rừng dẫu già, chủ còn trẻ lắm/ Họ cũng là người lính đó thôi/ Những binh đoàn tạc bằng đá rắn/ Bện thớ sến, thớ lim/ Áo thanh niên xung phong dãi dầu họ mặc/ Mãi tươi trong truyền thuyết mới mai sau (Thơ về một chặng đường) hay: Cả đất nước như người lính/ Xin hãy nhớ ngày Bác Hồ ra trận/ Đơn sơ quần xắn, ngực phong phanh/ Chắc lạnh sương mù chiều biên giới/ Người nhường áo ấm cháu thương binh/ Người dạy ta qua cơn lũ suối/ Người chỉ bao la thế chiến trường (Bài thơ nhớ Bác). Những bài thơ này anh viết từ những năm 1967, 1979; chắc là rút ra từ túi bản thảo xưa cũ của mình.
Cũng viết về chiến tranh nhưng tôi thích những câu thơ này của Trần Nhật Lam: Con chim câu đậu mái nhà sáng rực/ Chiếc tổ êm từng chịu bão giông nhiều/ Ngày mới mọc từ ánh gươm chiến trận/ Em chính là em của thuở ấy Thăng Long/ Của đêm hịch, của mặt người sạm lửa/ Của khói tan, của ụ súng đầu ô/ Em chính là em ngang từng khung cửa/ Bay đưa nhành lá ước mơ (Con chim câu bay xa). Chứa đựng trong đó có lịch sử truyền thống dân tộc, cuộc sống đương thời, đất nước, gia đình và cả tình yêu đôi lứa. Sức tải của những khổ thơ như thế là to lớn, vừa cụ thể vừa khái quát, vừa có cái chung vừa có cái riêng. Tài hoa lấp lánh trong câu thơ không dễ viết: Ngày mới mọc ra từ ánh gươm chiến trận. Đọc Trần Nhật Lam nên chậm rãi và kỹ càng mới có thể tìm được những mụn vàng trong bãi cát. Thi thoảng, ta gặp được những mới mẻ, những lấp lánh tinh khôi. Chiều sâu của bài thơ cũng là của tư tưởng thường kín đáo nằm trong những câu thơ vàng đó.
Nhà thơ Trần Nhật Lam.
Viết về những ngư dân bám biển, anh đã có câu thơ neo được vào lòng người: Dẫu mai kia đảo chài chen phố xá/ Dễ gì quên lối cát dưới tầng sâu (Lời người đánh cá). Một chiêm nghiệm, từng trải và cũng có thể coi là khát khao muốn không hề ồn ào cao giọng mà thấm thía vô cùng. Phải chăng thơ hay phải như thế, từ cái bé nhỏ giản dị nói lên được sự to lớn thiêng liêng. Thơ viết cho cháu - người thợ của tương lai - cũng đầy dặn dò ân nghĩa và trách nhiệm: Cháu về lội bùn cùng tôi hôm nay/ Cùng ngâm chân vào nỗi nghèo nàn rét buốt/ Tay nắm tay chặt chịa thương nhau/ Thương hơn nữa nghìn lần đất nước (Đi trên gạch vỡ). Trên bazan Tây Nguyên, trong đêm hội chiêng phóng khoáng, ngọt ngào với hương hoa cà phê tinh khiết, với những bản trường ca thâu đêm lửa bập bùng, với nhà dài ngực trần quyến rũ, Trần Nhật Lam có những thăng hoa thi ca đẹp: Đêm nay ta thấm đẫm mưa chiêng/ Giọt đanh, giọt trầm/ Nâng bàn tay trao cho bản cho làng/ Nhận ấm nóng tình anh em thân ái/ Đêm nay trong bão lốc/ của nhạc/ của lửa/ của men say/ Nếu chẳng may ta lỡ chết phút này/ Chiêng Êđê sẽ làm ta sống lại (Mưa chiêng).
Cuộc đời đã cho Trần Nhật Lam thơ ca. Hay nói chính xác hơn, Trần Nhật Lam muốn gắn bó mình với cuộc đời bằng thơ. Ta đan bện ta với cuộc đời, có thể nói đó là tuyên ngôn sống, cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của anh. Chất đời đậm đặc trong thơ anh, chung riêng đều thế. Những bài thơ viết về chiến tranh của anh kéo dài suốt từ tháng năm đánh Mỹ đến chống quân bành trướng bảo vệ biên giới chủ quyền Tổ quốc. Đây là hình ảnh thời dân tộc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”: Tôi đã thấy các chị, các anh/ Nặng trĩu dây mìn, xẻng búa/ hạt gạo chia mấy ngày suối lũ/ Rải binh đoàn mở giữ con đường/ Mùa mưa ấy thác gầm hung dữ/ Đá sạt ầm/ Đến đá cũng không bền/ Đèo bị vây. Mưa rơi. Pháo sáng/ Nghe ì ầm súng giục cuối Trường Sơn (Thơ về một chặng đường) anh viết năm 1967.
Bài thơ Pháy cùng đồng đội ký lên cờ được anh viết vào năm 1979 có những câu thật ấn tượng: Vẫn thường trực trái tim người giữ đất/ Những đêm rừng, tôi vẫn lắng nghe/ Tiếng làng bản thở trong khe, dưới lũng.../Tôi là Pháy/ trước phút ghì tay súng/ Xin cùng đồng đội/ ký lên cờ. Sau chiến tranh có những phụ nữ từng là bộ đội, thanh niên xung phong không gặp may mắn trong cuộc sống, anh chia sẻ: Em ẩn lòng tay dấu vết con đường/ Ẩn mái tóc dăm ba sợi bạc/ Lưng muộn mằn héo theo mùa khô khát... (Nước lá vằng). Với những phụ nữ tần tảo mưu sinh nơi phố xá đông đúc, Trần Nhật Lam có những câu thơ thấu hiểu và đồng cảm: Cố rao cái miệng ời ời/ Nón che sụp mặt mà bơi phố dài (Nón che sụp mặt)...
Thông qua cảm thức của mình, thơ hướng tới cuộc sống nhân dân, quan tâm đến xã hội là một hướng sáng tác nên gìn giữ, nâng cao. Điều này không có gì mới cả, bao nhiêu thế hệ nhà thơ trên đất nước ta đã từng làm như thế và có những đỉnh cao như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương. Thơ thoát ly cuộc sống, xa rời nhân dân không phải là mong đợi của đông đảo bạn đọc, tôi nghĩ thế. Nhờ bám sâu vào hiện thực xã hội mà Trần Nhật Lam có những bài thơ, câu thơ mang hơi thở, nhịp điệu cuộc sống. Kể cả những bài thơ thế sự hay tình yêu của anh cũng bắt đầu từ từng trải và chiêm nghiệm đời thường. Tôi cho những câu thơ như thế này là khá: Chiếc hôn gần kịp hái/ Em chợt nghiêng, cho hai tay anh buông và Anh yêu giấc mơ. Anh sợ giấc mơ/ Trong đêm tối nó chơi trò tinh nghịch (Ngôi sao phía ấy) hay: Vườn thu, xin nhẹ chân/ Giọng hát cũng thì thầm/ Kẻo trái kia rụng xuống (Vô đề) hoặc: Chiếc áo đẹp mặc hoài/ Lời khen xưa xài mãi (Áo đẹp).
Tuy vậy, tôi thấy tập thơ này của anh còn độn một số bài viết theo kiểu kể tả dông dài. Anh cũng chưa tránh được sự sáo mòn cũ kỹ trong thơ như Người ơi, mở bãi san đồi/Cánh cò mới sải cho trời rộng thêm và Bãi kia mía ngọt dâu lành/ Phải bao máu thắm cho thành đất ươm (Qua vùng quan họ); sự ồn ào của câu chữ: Cháu ơi, nay là lúc từ ngực này vững chãi/ Phải cất lên lời trung thành thề ước với ngày mai/ Những người thợ sẽ nhào nặn nên ấm no, tươi đẹp...(Đi trên gạch vỡ); sự lặp lại của người đi trước trong thi ảnh: Tay má tung mềm mại/ Nắm thóc nở đàn gà (Má ơi, trưa tháng năm).
Trần Nhật Lam viết: Mỗi ngày sau một ngày/ Ta đan bện ngày vào tháng, tháng vào năm/ Ta đan bện ta với cuộc đời. Theo tôi, dù không mới mẻ trong nghệ thuật nhưng anh đã diễn giải được điều đó trong thơ.
(*) Thơ Trần Nhật Lam, NXB Hội Nhà văn, H. 2013; tác phẩm vừa đoạt giải Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội 2014.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý