Tả bạch tán, bài thuốc trị ho do nội thương

SKĐS - Ho do nội thương là thể bệnh do hoả uất kết lên phế. Ho khi nặng khi nhẹ, đờm rít khó khạc, cổ họng vướng cảm giác khô, rát, người nóng, ngũ tâm phiền nhiệt, ngực sườn đầy tức.

1.Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh

Bệnh có quan hệ trực tiếp tới phế, gián tiếp tới các tạng phủ khác. Nguyên nhân do tỳ hư, đàm thấp tích đọng lại, ăn uống không điều độ, tửu sắc quá độ hoặc do tình chí uất kết, hoả khí xông bốc lên phế, phế khí không tuyên thông, không túc giáng được kết hợp với sự suy giảm công năng sinh lý bình thường của các tạng phủ như: Tâm, thận...làm cho mối quan hệ sinh, khắc của các tạng phủ bị cản trở mà sinh ho.

Phương pháp điều trịThanh phế giáng hoả.

2. Bài thuốc tả bạch tán

Thành phần: Địa cốt bì 24gam, tang bạch bì 24gam, sinh cam thảo 10gam, ngạnh mễ 30gam

photo-1645450671946

Tang bạch bì, vị thuốc từ vỏ rễ của cây dâu, chủ dược của bài thuốc

Cách dùng: Các vị thuốc tang bạch bì (rễ của cây dâu) + nước 1500ml, sắc còn 500ml cho ngạnh mễ vào tới khi chín, lọc bỏ bã, lấy 250ml. Ngày uống 1 thang chia 3 lần.

Công dụng: Tả phế hoả, thanh hư nhiệt, chỉ khái bình suyễn.

Ứng dụng trong điều trị: Chữa các chứng phế nhiệt khái thấu (ho đờm), khí suyễn, huyết nhiệt, miệng khô, môi ráo, sốt cao về chiều, chất lưỡi đỏ rêu vàng, mạch tế sác…

Phương giải bài thuốc tả bạch tán:

-Tang bạch bì có tác dụng tả phế nhiệt, chỉ khái, bình suyễn, thanh phế khí mà lợi tiểu trừ đàm là chủ dược.

-Địa cốt bì khí vị khổ hàn có tác dụng thanh nhiệt, trừ cốt chưng.

-Cam thảo cùng với ngạnh mễ nhuận phế dưỡng vị.

-Hợp dược toàn phương có tác dụng chữa các chứng ho, phế hoả hư nhiệt do âm hư, khái suyễn ít đàm.

photo-1645450677013

Địa cốt bì, vị thuốc từ vỏ rễ của cây câu kỷ tử

Gia giảm bài thuốc:

-Nếu phế nhiệt gia thêm Hoàng cầm, Tri mẫu…

-Nếu ho khan gia thêm Qua lâu bì, Xuyên bối mẫu..

-Nếu sốt ho khó thở, trẻ em sởi bay gia thêm Ngưu bàng tử, Hạnh nhân, Thuyền thoái, Bạc hà …

Kiêng kỵ: Những trường hợp ho suyễn do ngoại cảm phong hàn hoặc hư hàn bên trong không nên dùng.

Mời bạn xem thêm video:

Thuốc Molnupiravir được Bộ Y tế cấp phép


TTND. BS Trần Văn Bản
Ý kiến của bạn