Syria: Khi cánh cửa hòa bình mở ra...

03-08-2018 07:17 | Quốc tế
google news

SKĐS - 7 năm chìm đắm trong chiến tranh, Syria đã thấm đẫm sự tàn khốc cũng như những nỗi đau ở nơi súng đạn đi qua.

Cuộc chiến ở Syria đang dần đi đến hồi kết, các cuộc thảo luận về tương lai của quốc gia Trung Đông này đang mở ra cơ hội hòa bình cho người dân Syria.

Con đường hòa bình không trải hoa hồng

Mặc dù, những nỗ lực cuối cùng của Chính phủ Syria nhằm giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ còn lại đang đạt được bước tiến chưa từng có, trên trận tuyến ngoại giao, các nước đồng bảo trợ cho tiến trình hòa bình như: Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm cách thức hồi hương người tị nạn, tái thiết đất nước, nhưng con đường khôi phục hòa bình và ổn định ở quốc gia nằm phía Bắc bờ biển Địa Trung Hải này chắc chắn sẽ “không trải hoa hồng”.

Cuộc nội chiến ở Syria đã để lại nhiều cảnh hoang tàn trên đất nước.

Cuộc nội chiến ở Syria đã để lại nhiều cảnh hoang tàn trên đất nước.

Các cuộc thảo luận hòa bình Syria cho những tín hiệu tích cực, như một số nhóm đối lập đồng ý giao nộp vũ khí, một số nhóm khác đồng ý ký thỏa thuận ngừng bắn, các nhóm đối lập ở miền Bắc và miền Đông thống nhất tham gia các hoạt động chống khủng bố... Điều quan trọng là các nhóm đối lập đều tỏ thiện chí tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này. Ngay cả lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn cũng đã đàm phán với Chính phủ Syria để tìm kiếm một giải pháp chính trị.

Trong khi đó, trên thực địa, với sự hỗ trợ của lực lượng quân sự Nga và Iran, quân đội Chính phủ Syria liên tiếp đón nhận tin chiến thắng ở khu vực Tây Nam, giải phóng nhiều vùng lãnh thổ khỏi tay phiến quân. Khu vực này là biên giới chiến lược của Syria với Jordan và cao nguyên Golan. Chiến thắng trên chiến trường Tây Nam của quân đội chính phủ đánh dấu một bước tiến thần kỳ, đưa Tổng thống Assad lên vị thế cao nhất kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến tại Syria cách đây 7 năm, đồng thời đẩy lực lượng nổi dậy lên các khu vực phía Bắc.

Một trong những khó khăn mà Chính phủ của Tổng thống Assad phải đối mặt là giải quyết mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ trong trận tuyến cuối cùng. Đây cũng là bài toán chưa có lời giải khiến các nước bảo trợ ở Syria bất đồng. Syria muốn tiến tới chiếm thành trì lớn cuối cùng của phe nổi dậy Syria, tỉnh Idlib, trong khi đó nước láng giềng là Thổ Nhĩ Kỳ không muốn quân đội Syria tiến đến gần khu vực biên giới của họ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố sẽ làm tất cả để đảm bảo rằng không có một cuộc tấn công nào vào Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận và nhận được sự đồng ý của Nga về vấn đề này.

Tái thiết Syria  -  “Miếng mồi béo bở” của các nước lớn

Cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua đã để lại cho đất nước Syria một bãi chiến trường khổng lồ với nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy, đổ nát, nhiều khu vực rơi vào vòng xoáy thảm họa, thậm chí nhiều nơi gợi nhớ đến cuộc Chiến tranh Thế giới II. Với việc giải phóng được 60% lãnh thổ Syria, Nga và các nước bảo trợ đang tiến từng bước thận trọng để chuẩn bị cho một cuộc sống hòa bình. Tại Đại hội lần thứ 10 về hòa bình cho Syria, các nước trung gian đang thảo luận về việc thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria, các khu vực giảm căng thẳng, hồi hương người tị nạn, khôi phục cơ sở hạ tầng và nền kinh tế đã kiệt quệ bấy lâu. Đánh giá về kết quả tại cuộc gặp lần này, các chuyên gia phân tích cho biết, đây là bước tiến nhỏ, song thực chất cho một nền hòa bình lâu dài ở Syria.

Tuy nhiên bên cạnh việc tìm giải pháp chính trị, viện trợ nhân đạo và  tái thiết đất nước Syria đang trở thành “miếng mồi béo bở” mà bất kỳ nước phương Tây nào cũng muốn nhảy vào. Tổng thống Syria  cho biết, chi phí để tái thiết đất nước có thể lên tới 200 - 400 tỷ USD và kéo dài trong 15 năm.  Trong khi Nga muốn các nước phương Tây viện trợ nhân đạo và hỗ trợ tái thiết Syria mà không kèm theo các ràng buộc chính trị thì nhiều nước muốn sử dụng áp lực tài chính là cách để có sự chuyển đổi chính trị ở quốc gia này.

Với sự trở lại của hơn 5,6 triệu người ti nạn Syria trong tương lai sẽ khiến đất nước Syria và nền kinh tế nước này hồi sinh. Nhưng việc chia phần “miếng bánh” Syria sẽ thế nào và tương lai của Syria ra sao sẽ không chỉ phụ thuộc vào một mình quốc gia ở Trung Đông này...


Hải Yến
Ý kiến của bạn
Tags: