Hà Nội

Syria “hậu” IS Khó khăn chồng chất

11-12-2017 10:17 | Quốc tế
google news

SKĐS - Cuối tuần qua, Nga tuyên bố chiến thắng vang dội sau khi đã đánh bại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trên lãnh thổ Syria.

Như vậy, nỗ lực chấm dứt chiến sự tại Syria đang bước vào giai đoạn mới khi trọng tâm chuyển từ can thiệp quân sự sang tiến trình chính trị. Hòa bình dù đã cận kề, nhưng tương lai Syria thời “hậu” IS vẫn là một ẩn số.

Trong một diễn biến mới nhất trên thực địa, người đứng đầu Sở chỉ huy tác chiến Bộ Tổng tư lệnh quân đội Nga Sergey Rudskoi  hôm 8/12 tuyên bố "Các lực lượng vũ trang của Nga đã hoàn thành hiệm vụ đánh bại IS trên lãnh thổ Syria. Hiện tại, không còn thị trấn hay khu vực nào ở nước này còn nằm dưới sự kiểm soát của IS. Lãnh thổ Syria đã hoàn toàn sạch bóng các chiến binh của tổ chức khủng bố này”. Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga, tướng Valery Gerasimov  xác nhận, nước Cộng hòa Ả Rập Syria đã được giải phóng hoàn toàn khỏi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Với sự giúp đỡ của Nga, quân đội Syria đã toàn thắng khi giải phóng 3 thị trấn cuối cùng đang bị IS chiếm giữ trên bờ tây sông Euphrates quét sạch IS. Như vậy, hệ thống phòng ngự vững chắc cuối cùng của IS đã bị sụp đổ.

Giới phân tích cho rằng việc giải phóng Syria khỏi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã tạo một bước ngoặt mới đối với cục diện chính trị Syria, hướng tới việc đem lại hòa bình, ổn định cho quốc gia này.

Quân đội Syria tuyên bố toàn thắng IS

Quân đội Syria tuyên bố toàn thắng IS

Sau khi giải phóng khỏi IS, ngày 10/12, vòng đối thoại thứ 8 về Syria đã bắt đầu tại Geneva (Thụy Sỹ). Sự có mặt của đoàn đàm phán chính phủ Syria và phe đối lập cùng tham dự vòng đàm phán trên được cho là một tín hiệu tích cực để LHQ khôi phục các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần 7 năm qua, cướp đi hơn 340.000 sinh mạng ở Syria. Trước đó, vòng đàm phán mới nhất về Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc diễn ra ngày 6/12 đã thất bại khi phái đoàn đại diện Chính phủ Syria không có mặt.

Khó khăn còn đó

Một trong những ưu tiên hiện nay sau khi quét sạch IS ở Syria, quân đội Nga sẽ giúp chính phủ Syria khôi phục hòa bình, ổn định và đảm bảo các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn. Theo đó, hoạt động quân sự sẽ được cắt giảm, thay vào đó là tập trung vào hoạt động viện trợ cho người dân Syria ổn định cuộc sống. Theo giới phân tích, mặc dù có thể vẫn còn những căn cứ quân sự của IS bị cô lập, nhưng nhìn chung, cuộc chiến chống IS ở Syria đang đi đến hồi kết. Việc đánh bại IS là sự khởi đầu thực sự cho tiến trình giải quyết chính trị ở Syria và tiến trình hòa bình bằng các giải pháp chính trị sẽ được ưu tiên hơn cả. Chia sẻ quan điểm này, ông Andrei Koshkin, chủ nhiệm phòng khoa học chính trị và xã hội học trường đại học kinh tế Plekhanov nhận định nỗ lực chiến thắng IS ở Syria là một tín hiệu tích cực cho tương lai Syria.

Vì thế, việc quét sạch IS khỏi lãnh thổ Syria cũng như việc trở lại vòng đàm phán lần này của phái đoàn chính phủ Syria được xem là cơ hội cho các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 7 năm qua tại quốc gia Trung Đông này, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố tại đây đang ở giai đoạn hồi kết. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn đặt ra. Thứ nhất, sự suy tàn của IS không hẳn là một giải pháp cho cuộc xung đột lợi ích giữa các bên ở Syria cũng như các nước liên quan. Thậm chí, việc loại bỏ được "kẻ thù chung" là IS còn có thể làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn âm ỉ lâu nay. Bởi Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục can dự vào tiến trình dàn xếp chính trị tại Syria sau khi IS bị tiêu diệt. Quan điểm của Mỹ tại các cuộc đàm phán Geneva sắp tới dựa trên việc thúc đẩy 3 yếu tố: một tiến trình chuyển tiếp chính trị có ý nghĩa, vai trò đáng kể cho người Kurd và giảm bớt vai trò của Iran tại Syria. Ngoài mục tiêu về người Kurd có vẻ gần với quan điểm của Nga, Washington và Moskva vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng đối với 2 yếu tố còn lại.

Ngoài ra, mối bất hòa giữa Iran và Saudi Arabia cũng ảnh hưởng tới tiến trình chính trị tại Syria. Do nội chiến tại Syria mà ảnh hưởng của Iran trong khu vực đã tăng mạnh, điều khiến cả Saudi Arabia lẫn Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều lo ngại. Cùng với đó, chính phủ của Tổng thống Assad còn phải đối mặt với vấn đề thống nhất đất nước, một vấn đề nan giải do mâu thuẫn chính trị, tôn giáo và sắc tộc tồn tại hàng chục năm nay. Trong bối cảnh mỗi phe phái chính trị tại Syria lại có một nhà bảo trợ nước ngoài, rõ ràng việc chia phần”miếng bánh lợi ích” sao cho hài hòa sẽ là một bài toán nan giải.


N.Quang (Theo CNN, Reuters, AP)
Ý kiến của bạn