Syria bên bờ vực chiến tranh?

29-08-2013 08:10 | Quốc tế

Trước cản lực của Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước Tây phương và đồng minh Arập tại Trung Đông tìm một phương án “hợp pháp” khác để can thiệp vào Syria. Giải pháp quân sự đã rõ nét với lời tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ và cuộc họp các tổng tham mưu trưởng “của nhiều nước” tại Jordani.

Trước cản lực của Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước Tây phương và đồng minh Arập tại Trung Đông tìm một phương án “hợp pháp” khác để can thiệp vào Syria. Giải pháp quân sự đã rõ nét với lời tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ và cuộc họp các tổng tham mưu trưởng “của nhiều nước” tại Jordani.

Ngày 21/8, phe đối lập Syria tố cáo chế độ Bachar al-Assad tấn công thường dân bằng vũ khí hóa học, giết chết 1.300 người ở ngoại ô Damas nơi thuộc kiểm soát của phe đối lập. Hình ảnh hàng trăm nạn nhân thân thể co giật, miệng trào nước bọt, phụ nữ, trẻ con chết hàng loạt gây bức xúc trong công luận và bị Tổng Thư ký Liên hợp quốc lên án là tội ác chống nhân loại.

Syria bên bờ vực chiến tranh? 11.300 dân thường thiệt mạng trong cuộc tấn công vũ khí hóa học.

Ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên án hành động trên: “Hành động vô luân của chính quyền Syria đã đánh động lương tâm thế giới”. Mặc dù Washington vẫn tiếp tục nói là Tổng thống Barack Obama chưa dứt khoát giải pháp quân sự nhưng từ Paris, London, Berlin cho đến Ankara đã tuyên bố sẵn sàng mà không cần đèn xanh của Liên hợp quốc. Ngày 25/8, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã tuyên bố “dù bị chặn ở Hội đồng Bảo an, các quyết định cần thiết đã được thông qua”. Pháp cũng có thể hỗ trợ cuộc tấn công này với sự tham gia của tàu sân bay Charles de Gaulle hiện đang đồn trú tại Toulon ở phía Tây Địa Trung Hải và các máy bay chiến đấu Raffale và Mirage xuất phát từ căn cứ không quân Al-Dhahra ở các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất. Bên cạnh các cuộc tấn công tên lửa, các nhà lãnh đạo quân sự đến từ 10 nước phương Tây và Arập còn cân nhắc một chiến dịch trên không nhằm vô hiệu hóa không quân Syria và thiết lập vùng cấm bay. Bất cứ hành động quân sự nào đều phải được các nguyên thủ quốc gia thông qua.Theo các nguồn tin ngoại giao, trước đó, các bên đã bị chia rẽ về cách phản ứng, với việc Mỹ và Arập Xêút ủng hộ các cuộc tấn công tên lửa hạn chế trong khi Anh và Pháp muốn can thiệp quy mô lớn hơn.

Nhưng khó khăn lớn nhất cho chính quyền Mỹ vẫn là hành động trong khuôn khổ như thế nào. Trong khuôn khổ một nghị quyết của Liên hợp quốc thì là điều không tưởng khi mà Nga và Trung Quốc vẫn giữ lá phiếu phủ quyết ở Hội đồng Bảo an. Còn vượt ra ngoài khuôn khổ đó để mở chiến dịch quân sự với các đồng minh NATO như đã làm với trường hợp Kosovo năm 1999 thì cũng không ổn, vì Syria là một vấn đề hoàn toàn khác, bối cảnh ngoại giao bây giờ cũng khác.

Giới quan sát đều có chung nhận định là nếu một chiến dịch quân sự từ nước ngoài buộc phải xảy ra để chống lại Damas thì cuộc can thiệp đó phải có được sự ủng hộ ngoại giao vững chắc từ các nước trong khu vực. Có lẽ vì thế mà trong những ngày qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã liên tục các cuộc điện thoại với các đồng nhiệm châu Âu và Arập.

Cuối cùng, để đi đến “hành động” tại Syria, Tổng thống Obama phải làm sao thuyết phục dư luận Mỹ vốn đã cảm thấy quá mệt mỏi với hơn 10 năm Hoa Kỳ tham chiến ở Iraq và Afghanistan. Từng tuyên bố, Washington sẽ không để yên nếu Damas vượt qua “lằn ranh đỏ” sử dụng vũ khí hóa học, giờ đây, khi tin rằng Bachar al Assad đã sử dụng vũ khí hóa học thì ông Obama lại phải vượt qua lằn ranh khác cho chính mình để hành động.

 (Theo Reuters, CNN)

Hà Phương


Ý kiến của bạn