Suýt vô sinh vì chủ quan với chứng xoắn tinh hoàn

31-08-2015 07:28 | Giới tính
google news

SKĐS - Xoắn tinh hoàn là bệnh lý nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời và nếu kéo dài có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn và các mô xung quanh.

Vì vậy, xoắn tinh hoàn cần được phẫu thuật cấp cứu trong vài giờ đầu. Nếu để lâu hơn, tinh hoàn bị tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ.

Mất tinh hoàn do chậm đi khám

Mới đây, trong vòng 1 tuần, bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận và phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn cho 2 bệnh nhân nam 17 và 18 tuổi. Trong đó, bệnh nhân là N.V.H (quê ởThái Nguyên), khoảng một tuần trước đó, H. có biểu hiệu sốt ớn lạnh, bìu sưng to và đau. Do chủ quan, H. không đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa mà tự mua thuốc về nhà điều trị. Tuy nhiên, sau gần một tuần tự điều trị thì vẫn không thấy đỡ và lúc đó được người nhà đưa xuống cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Qua chẩn đoán, các bác sĩ thấy tinh hoàn trái của H. đã viêm nặng và đang hoại tử, buộc phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn trái.

Trước đó một ngày, anh T.V.Đ (18 tuổi, Phú Thọ) cũng nhập viện trong tình trạng bìu phải sưng to, đau dữ dội. Chẩn đoán hình hình ảnh cho thấy, tinh hoàn phải của Đ. đã hoại tử, phía trên dây treo tinh hoàn bị xoắn nhiều vòng. Theo lời kể của Đ. Thì anh có biểu hiện đau bìu trước đó gần 2 tuần nhưng do xấu hổ nên không dám nói với ai, cũng không đến các cơ sở chuyên khoa Nam học khám chữa. Sau đó anh mua thuốc giảm đau uống gần một tuần mà không đỡ đành phải đến bệnh viện thì đã quá muộn, tinh hoàn phải của anh Đ. buộc phải cắt bỏ.

Những trường hợp bị chứng xoắn tinh hoàn như H. và Đ. là không hiếm ở nam giới hiện nay. Thậm chí, nhiều nghiên cứu cho biết, xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp nhiều nhất ở nam giới từ 10 - 25 tuổi; có tới 65% trường hợp xoắn tinh hoàn xảy ra ở thanh thiếu niên từ 12 - 18 tuổi; tỷ lệ mắc bệnh đối với nam giới trước 25 tuổi là 1/4000. Nếu được chẩn đoán sớm, tỷ lệ cứu được tinh hoàn có thể đạt 100%. Phẫu thuật cố định tinh hoàn có giảm tỷ lệ tái xoắn, nhưng không loại trừ được khả năng tái xoắn tinh hoàn sau này.

Điều đáng nói là nam giới khi bị mắc chứng này đều rất chủ quan và e ngại khi đến khám, điều trị tại viện. Thậm chí, một số người vì xấu hổ còn tự ý mua thuốc điều trị khi không được sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên ngành. Và đến khi nhập viện cấp cứu thì đã quá muộn, buộc phải cắt bỏ tinh hoàn.

Can thiệp sớm giúp giảm những biến chứng nguy hiểm

Theo Ths.BS Nguyễn Đình Liên, khoa Nam học, Bệnh viên Y Hà Nội cho biết, hiện tượng xoắn tinh hoàn xảy ra chủ yếu là do có những bất thường về cấu trúc. Cũng giống như quả lắc đồng hồ, xoắn tinh hoàn cũng như khi dây quả lắc bị xoắn, khiến lượng máu cung cấp đến tinh hoàn giảm đi hoặc mất hoàn toàn gây sưng, đau đớn dữ dội. Biểu hiện thường gặp của xoắn tinh hoàn là bất ngờ đau, sưng to bìu, có thể sốt, ớn lạnh, đau bụng, buồn nôn. Bệnh này thường gặp ở lứa từ 10 – 25 tuổi. Mức độ xoắn cũng ảnh hưởng đến tốc độ bị phá hủy của tinh hoàn.

Theo nguyên tắc chung, nếu được can thiệp sau 6 giờ, tỷ lệ bảo vệ được tinh hoàn là 90%; sau 12 giờ, tỷ lệ này giảm xuống 50%; sau 24 giờ, khả năng giữ lại được tinh hoàn chỉ còn 10%. Xoắn tinh hoàn là một trường hợp khẩn cấp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng: hoại tử tinh hoàn, mất tinh hoàn, nhiễm khuẩn, vô sinh thứ phát do mất tinh hoàn, biến dạng tinh hoàn. Do đó, việc điều trị bằng phẫu thuật có thể phòng ngừa những biến chứng nghiêm trọng do chứng xoắn tinh hoàn gây ra. Nếu bị xoắn tinh hoàn nhưng sau đó lại hết xoắn và hết đau, cũng đừng nên chủ quan mà vẫn nên đi khám.

Tuy nhiên, với những người buộc phải cắt mất một bên tinh hoàn cũng không nên suy sụp vì vẫn có thể làm cha và sống bình thường. Nhưng một khi cắt đi một bên tinh hoàn thì bên còn lại sẽ phải làm việc gấp đôi để bù đắp cho bên bị mất. Nếu như tinh hoàn còn lại của người bệnh sẽ giảm khả năng sinh sản do tinh trùng ít, chất lượng kém. Ngoài ra, việc thiếu hụt hoóc môn do một bên tinh hoàn hoạt động không tốt còn khiến bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng tới đời sống tình dục sau này. Quan trọng hơn cả là việc cắt bỏ tinh hoàn khiến nam giới dễ tự ti, mặc cảm.

Sau khi phẫu thuật vài tuần, người bệnh cần tránh các hoạt động gắng sức, tránh quan hệ tình dục hoặc kích thích tình dục (như thủ dâm). Với trường hợp ở trẻ sơ sinh thì cần phẫu thuật để ngăn ngừa những vấn đề về sức khoẻ sinh sản hay sản xuất nội tiết tố nam sau này.

Cũng theo lời khuyên của bác sĩ Liên, nếu có dấu hiệu bất thường ở bìu, cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa để kiếm tra và có phương pháp chữa trị kịp thời, tránh hoại tử tinh hoàn và làm giảm đi cơ hội có con. Dù là một căn bệnh nguy hiểm và xảy ra bất ngờ, nhưng việc điều trị lại khá đơn giản nếu được phát hiện và xử lý kịp thời. Do đó, người bệnh không nên vì xấu hổ hay ngại ngùng che giấu bệnh mà cần đến bệnh viện để khám bệnh khi có những dấu hiệu bất thường của tinh hoàn. Đừng để đến khi nhập viện thì đã quá muộn!

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh

Tuổi: thường gặp nhất ở nam giới từ 10 - 25 tuổi.

Tiền sử bị xoắn tinh hoàn: nếu bệnh nhân đã từng bị xoắn tinh hoàn nhưng các triệu chứng đã thuyên giảm không cần điều trị vẫn có khả năng mắc bệnh trở lại.

Thời tiết: xoắn tinh hoàn thường xuất hiện khi thời tiết lạnh, chẳng hạn bạn đi nghỉ mát ở vùng núi cao có nhiệt độ lạnh.

Bất thường bẩm sinh: bất thường quả lắc chuông (Bell clapper deformity) dẫn đến trục dài của tinh hoàn nằm ngang thay vì theo trục thẳng của cơ thể, khiến tinh hoàn xoay trên thừng tinh, gây tắc tĩnh mạch và tụ máu, với hệ quả là thiếu máu động mạch và hoại tử tinh hoàn.

Hiền Anh


Ý kiến của bạn