Hà Nội

Suýt phải cắt bỏ thận vì biến chứng nguy hiểm của sỏi san hô

05-06-2018 11:14 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Theo các bác sĩ, sỏi thận thường gây các biến chứng như cơn đau quặn thận; để lâu sỏi sẽ đạt tới kích thước lớn làm thận giãn to, ứ nước, ứ mủ, suy thận, phải mổ mở lấy sỏi, gia tăng những nguy cơ như chảy máu, nhiễm khuẩn, đau đớn và lâu bình phục. Thậm chí có bệnh nhân đã phải cắt bỏ quả thận do chức năng thận không còn.

Sỏi san hô lớn gây biến chứng giãn đài bể thận

Bệnh nhân Nguyễn Văn Doanh, 52 tuổi, ở Ninh Bình, phát hiện sỏi thận từ nhiều năm nay. Ông thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau dai dẳng, ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống. Ông Doanh đã đi khám tại nhiều bệnh viện và đều được tư vấn phẫu thuật mở lấy sỏi.

Do tâm lý sợ phải mổ, sợ nằm viện lâu nên ông Doanh đặt niềm tin vào các thuốc Đông y với hy vọng sỏi thận sẽ tan ra. Nhưng tình trạng vẫn không cải thiện, cơn đau tăng dần và ông Doanh đã đến khám bệnh tại Bệnh viện 19-8 vào tháng 12-2017.

Sau khi thăm khám và thực hiện các thăm dò cận lâm sàng, các bác sĩ Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện 19-8 đã nhận định bệnh nhân Doanh bị sỏi san hô thận trái kích thước lớn gây biến chứng giãn đài bể thận, cần phải tiến hành can thiệp ngoại khoa. Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định sử dụng kỹ thuật tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ bằng laser.

Kết quả nằm ngoài mong đợi của ông Doanh và gia đình khi ông Doanh chỉ mất 3 ngày sau phẫu thuật đã có thể khỏe mạnh ra viện về nhà sinh hoạt bình thường với vết mổ chỉ gần 1cm.

Các bác sĩ thăm khám và tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Kỹ thuật tán sỏi nội soi mới cho người bệnh

Theo ThS.BS Mai Tiến Dũng - Phó trưởng Khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện 19-8, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân Doanh: “Sỏi thận là căn bệnh phổ biến và có xu hướng tăng lên do thói quen ăn uống, tập luyện, ít vận động ở người Việt Nam.

Sỏi thận thường gây các biến chứng như cơn đau quặn thận; nếu để muộn không điều trị, sỏi sẽ đạt tới kích thước lớn làm thận giãn to, ứ nước, ứ mủ, suy thận, phải mổ mở lấy sỏi, dẫn đến gia tăng những nguy cơ như chảy máu, nhiễm khuẩn, đau đớn và lâu bình phục. Thậm chí có bệnh nhân đã phải cắt bỏ quả thận do chức năng thận không còn.

"Bệnh nhân Doanh đã phải chịu những cơn đau dai dẳng hàng năm qua, khi đến với chúng tôi thận của bác đã có dấu hiệu biến chứng do sỏi. Nhờ kỹ thuật tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ bằng laser mà chúng tôi đã cứu được quả thận của bác. Đây là kỹ thuật tiên tiến điều trị sỏi thận, đang dần thay thế cho phẫu thuật mở thông thường. Kỹ thuật này đã được triển khai thực hiện tại Bệnh viện 19-8 Bộ Công an từ nhiều năm nay, mang lại hy vọng mới cho nhiều bệnh nhân bị sỏi thận"- BS. Dũng cho biết.

Phim chụp Xquang trước và sau can thiệp cho thấy viên sỏi kích thước lớn đã hoàn toàn biến mất, để lại vết mổ trên da chỉ 1cm.

Theo ThS.BSCKII  Đặng Ngọc Hanh - Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện 19-8: “Phương pháp tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ bằng laser là bước tiến bộ vượt bậc trong điều trị bệnh sỏi thận, đã được chúng tôi triển khai thành công tại Bệnh viện 19-8. Với phương pháp này, người bệnh chỉ phải trải qua một cuộc phẫu thuật với xâm lấn tối thiểu, vết mổ để lại chỉ 1cm thay vì 10-12cm như trước đây, thời gian nằm viện giảm chỉ còn 3-4 ngày so với 7-8 ngày với phẫu thuật mở thông thường.

Tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ bằng laser (mini-Percutaneous nephrolithotomy – mini-PCNL) đang dần thay thế hoàn toàn cho phẫu thuật mở trong điều trị sỏi tiết niệu. Phương pháp này được áp dụng cho những bệnh nhân bị sỏi thận, sỏi khúc nối bể thận – niệu quản kích thước lớn > 2cm, sỏi san hô, sỏi thận tái phát…

Bệnh nhân sẽ được giải thích đầy đủ về kỹ thuật trước khi bước vào cuộc can thiệp. Sau khi bệnh nhân được gây mê, phẫu thuật viên sẽ định vị chính xác vị trí của viên sỏi qua da bằng đầu dò siêu âm, tiến hành tạo đường hầm nhỏ từ ngoài da vào trực tiếp vị trí của viên sỏi nằm trong thận; trên hình ảnh nội soi, phẫu thuật viên sẽ sử dụng năng lượng máy laser công suất lớn phá vụn viên sỏi, các mảnh sỏi vụn sẽ được một thiết bị bơm đặc biệt đẩy ra ngoài qua đường hầm.

Tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ bằng laser là kỹ thuật cao, đòi hỏi người bác sĩ thực hiện phải có kinh nghiệm và bệnh viện phải đầy đủ trang thiết bị. Kỹ thuật này mới được đưa vào thực hiện tại các trung tâm phẫu thuật tiết niệu lớn ở Việt Nam chỉ một thời gian ngắn, nhưng đã thể hiện nhiều ưu việt, an toàn hơn so với mổ mở; kỹ thuật này ít xâm lấn, giảm chảy máu, bệnh nhân sớm bình phục, thời gian nằm viện ngắn.


L.Nguyên
Ý kiến của bạn