Bé Tôm 2 tuổi, bị ngạt mũi, khó thở từ mấy hôm nay. Nhất là về đêm do không thở được nên Tôm quấy khóc, đòi bế khiến cả nhà mất ngủ, mệt mỏi theo. Đã mấy đêm như vậy nên chị Mai đi làm trong trạng thái lơ mơ, ngủ gật. Chị Mai được đồng nghiệp mách rằng chỉ cần nhỏ mỗi bên mũi 1 giọt naphazolin trước khi đi ngủ là dễ thở ngay... Nghe vậy, chị Mai đi làm về ghé qua hiệu thuốc mua lọ naphazolin 0,05%, buổi tối nhỏ cho con với hy vọng đêm nay Tôm sẽ ngủ ngon. Nhưng lạ thay, mới nhỏ mũi được khoảng mươi phút, chị Mai thấy con mình như lả đi, tay chân lạnh... Chị vội vàng đưa con đi bệnh viện, không quên cầm theo lọ thuốc nhỏ mũi chị vừa nhỏ...
Cũng may, sau khi bác sĩ hồi sức cấp cứu thì bé Tôm đã hồng hào trở lại và thiêm thiếp ngủ. Bác sĩ ghi chép bệnh án xong, gọi chị Mai lại gần rồi chỉ vào lọ thuốc nhỏ mũi:
- Naphazolin là chất làm co mạch và giảm sung huyết ở niêm mạc mũi, khiến mũi thông thoáng và hết chảy nước. Nhưng đối với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi, tác dụng gây co mạch của thuốc nhỏ mũi này không chỉ khu trú ở niêm mạc mũi mà gây co mạch toàn thân dẫn đến tai biến gây tím tái, vã mồ hôi, choáng... như trường hợp bé Tôm vừa gặp.
Nghe nói vậy, chị Mai hoảng sợ, lắp bắp:
- Thế... thế con em có bị làm sao không ạ?
- Cũng may mà cháu mới bị nhẹ và cấp cứu kịp thời nên đã qua được cơn nguy hiểm. Tuy nhiên, từ lần sau, chị tuyệt đối không bao giờ được tự ý hoặc nghe mách bảo mà sử dụng thuốc cho con, dù đó là thuốc gì.
Theo bác sĩ nhi khoa Trần Văn Công, từ năm 1985 - 2012, ở Mỹ đã xác định có 96 trường hợp trẻ em từ 1 tháng đến 5 tuổi bị ngộ độc vì các chế phẩm chứa chất co mạch là naphazolin. Còn ở nước ta, trong thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM) đã cấp cứu cho một số trẻ nhũ nhi bị thở yếu, tay chân lạnh, tím tái do cha mẹ nhỏ mũi thuốc có chứa naphazolin.
Đối với thuốc này thì không nên dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi bị sung huyết mũi (ngạt mũi) dùng dung dịch 0,05% hoặc 0,1%. Trẻ em 6-12 tuổi, dùng dung dịch 0,025% hoặc 0,05% (dưới sự theo dõi của thầy thuốc). Và với người lớn tuổi nhưng bị bệnh tăng huyết áp, tim mạch, cường giáp hoặc phụ nữ có thai và cho con bú phải rất thận trọng khi dùng thuốc này. Và dù là người lớn hay trẻ em, cũng chỉ nên dùng thuốc khi được bác sĩ chỉ định.