Hà Nội

Suýt nguy vì truyền dịch tùy tiện

23-09-2016 13:42 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường khiến chị Hải cảm cúm mãi không hết. Người đã gầy yếu sẵn, nay thêm cả nửa tháng cảm cúm khiến chị mệt lả...

Thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường khiến chị Hải cảm cúm mãi không hết. Người đã gầy yếu sẵn, nay thêm cả nửa tháng cảm cúm khiến chị mệt lả, chẳng muốn ăn cũng chẳng còn sức để làm việc. Cứ như thế này thì công việc trì trệ, sếp lại mắng cho...

Chị nghĩ đã không ăn được thì phải bổ sung dinh dưỡng bằng truyền dịch là nhanh nhất.  Cũng may là gần nhà có cậu bé mới học xong điều dưỡng, mà lại rất là ngoan và khéo, mấy lần chị phải tiêm truyền đều nhờ cậu ấy cả. Thế là chị đi mua chai nước hoa quả về nhờ cậu điều dưỡng sang truyền cho. Nhưng mới truyền được nửa chai thuốc, chị Hải bắt đầu cảm thấy lạnh, buồn nôn, sau đó thì cứng hàm... Cậu điều dưỡng thấy vậy hoảng quá, vội rút dịch truyền rồi gọi xe đưa chị Hải đi cấp cứu. Cũng may, sau khi bác sĩ xử trí cấp cứu sốc phản vệ, chị Hải dần dần hồi tỉnh. Lúc này chị mới biết mình vừa thoát khỏi bàn tay tử thần, mà nguyên nhân là do truyền dịch bừa bãi.

Theo BS. Hoàng Thị Cúc (Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội): Dịch truyền có nhiều loại với các thành phần, hoạt chất và có nồng độ khác nhau nhằm sử dụng cho từng trường hợp bệnh khác nhau. Tùy theo thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ điều trị sẽ quyết định truyền loại dịch gì cho phù hợp. Tuy nhiên, không ai ngoài bác sĩ, sau khi khám cẩn thận cho bệnh nhân mới được chỉ định truyền dịch và trong quá trình truyền dịch, bệnh nhân cần được theo dõi tại cơ sở y tế (có đủ phương tiện cấp cứu) để có thể xử lý khẩn cấp nếu tình trạng sốc xảy ra.

BS. Cúc cho biết, các nguy cơ có thể xảy ra khi truyền dịch như chệch ven (đây là lỗi kỹ thuật để lại hậu quả tương đối nhẹ) thì có thể gây đau, phù nề do chảy dịch ra ngoài ven, thậm chí là chỗ truyền dịch có thể bị loét nếu dịch truyền có canxi; Vỡ tĩnh mạch làm bầm tím tại nơi chọc tĩnh mạch. Còn nặng hơn, khi dùng dịch truyền một cách bừa bãi thì có thể gây rối loạn điện giải, phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp, suy tim, tăng huyết áp đột ngột (đặc biệt là bệnh nhân đang mắc bệnh huyết áp, tim mạch), thậm chí có thể gây tử vong.

Một nguy cơ hay gặp nhất trong lúc truyền dịch là sốc. Sốc có thể xảy ra khi bắt đầu hoặc trong khi truyền, thậm chí cả ngay sau khi truyền xong. Có nhiều nguyên nhân gây sốc, trong đó có thể do thành phần, chất lượng của dịch truyền hoặc do dụng cụ tiêm truyền không đảm bảo vô khuẩn hoặc tốc độ truyền quá nhanh... Thực tế đã có bệnh nhân tử vong do không được xử lý sốc kịp thời, đặc biệt là truyền dịch tại gia đình hoặc ở các cơ sở không đủ điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện cấp cứu.


Việt Hà
Ý kiến của bạn