Suýt mất mạng vì vết thương nhỏ

01-07-2021 13:45 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - BS.CKII Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thông tin, bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu 3 trường hợp chấn thương ban đầu rất nhỏ nhưng vì chủ quan của gia đình và người bệnh nên để lại hậu quả vô cùng lớn.

Ông T. V. B, 75 tuổi, ở Phú Tân – An Giang được bệnh viện tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lúc 13 giờ 15 phút ngày 12/6/2021 với tình trạng cứng hàm, tăng trương lực cơ toàn thân, bụng gồng cứng, có những cơn co giật toàn thân, nuốt sặc, co thắt thanh quản.

Cùng thời điểm nằm viện với bệnh nhân T.V.B. còn có 2 bệnh nhân được chẩn đoán mắc uốn ván: Một bệnh nhân có vết thương nhỏ ở cẳng chân do chơi đá gà, ủ bệnh hơn 1 tháng.

Bệnh nhân thứ 3 có vết thương xây xước nhẹ ở cánh tay do tự té ngã, bệnh nhân này đã được mở khí quản chỉ thở oxy. Cả 3 bệnh nhân đều không tiêm ngừa uốn ván.

Hai bệnh nhân sau sức khỏe ổn định, đã được chuyển về bệnh viện địa phương điều trị tiếp.

Vết thương của ông B. ở  phía chân trái. 7 ngày trước khi phát bệnh do bị cây đâm bên ngoài đã lành da, không tiêm ngừa uốn ván. Bệnh nhân được chẩn đoán: Uốn ván toàn thể giai đoạn toàn phát mức độ nặng. Vết thương cẳng chân trái.

Dị vật lấy ra từ vết thương của bệnh nhân

Tại Khoa Bệnh nhiệt đới, ông B. đã được xử lý bằng huyết thanh kháng độc tố uốn ván, an thần, dinh dưỡng qua sonde dạ dày, kháng sinh diệt vi trùng uốn ván, và được mở khí quản thở máy, dãn cơ…

Kết quả siêu âm tại vết thương ghi nhận bên trong vết thương đã lành chứa dịch, còn dị vật, các bác sĩ tiến hành rạch lấy dị vật, mủ, làm sạch, để hở vết thương và phối hợp kháng sinh điều trị nhiễm trùng.

Sau 2 ngày nhập viện bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu rối loạn thần kinh thực vật: Mạch, huyết áp dao động liên tục…

Ông B. được xác định uốn ván toàn cơ thể giai đoạn mức độ rất nặng (rối loạn thần kinh thực vật), viêm phổi, mở khí quản phải thở máy.

Bệnh nhân đã ổn định đang cai máy thở

Sau 18 ngày điều trị tích cực: Hiện tại bệnh nhân tỉnh, rối loạn thần kinh thực vật đã ổn định, hết gồng giật, vết thương cẳng chân trái không dấu hiệu nhiễm trùng, tiêu tiểu bình thường, đang trong quá trình cai thở máy.

BS.CKII Trần Ngô Phúc Mỹ - Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới: Uốn ván là bệnh có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra.

Bệnh uốn ván bùng phát khi cơ thể bị nhiễm độc bởi độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani. Chúng hiện diện dưới dạng nha bào trong đất và phân súc vật.

Bệnh uốn ván có thể gặp ở mọi nơi, hay gặp vùng nông thôn, khí hậu nóng ẩm, đất nhiều chất hữu cơ.

Vi khuẩn thường đến từ những vết thương da niêm, có thể chỉ là những xây xát ngoài da, vết đâm do tăm tre mà người dân thường hay chủ quan. Những trường hợp uốn ván khác cũng bắt đầu từ những vết sây sát nhỏ trong tai nạn sinh hoạt, lao động và giao thông. Thời gian ủ bệnh từ 5 ngày đến 1 tháng.

Thời gian này càng ngắn thì bệnh càng nặng. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là đau mỏi hàm , cứng hàm sau đó cứng cơ các phần khác của cơ thể, rồi co giật, co thắt hầu họng thanh quản.

Các biểu hiện trên diễn ra trong thời gian 24-48 giờ. Rối loạn hệ thần kinh thực vật là biểu hiện rất nặng của bệnh thường xuất hiện cuối tuần 1 và tuần 2 biểu hiện: rối loạn huyết áp và mạch, sốt, vã mồ hôi, co mạch ngoại biên…

Ngoài các biểu hiện của bệnh uốn ván, bệnh nhân còn có nguy cơ các biến chứng khác do quá trình nằm viện lâu dài: bội nhiễm, biến chứng nằm lâu, xuất huyết tiêu hóa do stress.

Uốn ván là một bệnh nặng, thời gian điều trị kéo dài, chi phí cao đặc biệt trong các trường hợp nặng. Tuy nhiên đây là bệnh lý hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vắc xin với chi phí khá thấp.

Vì vậy người dân cần chủ động tiêm phòng bệnh khi có vết thương ngõ vào kể cả các vết trầy xước nhẹ do tai nạn giao thông, vết đứt nhỏ trong lao động, sinh hoạt hàng ngày và cần tiêm ngừa ở tất cả những người chưa có miễn dịch.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ có thai cần tiêm ngừa đầy đủ để phòng uốn ván sơ sinh. Trẻ em cần được tiêm ngừa đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia và tiêm nhắc lúc trưởng thành để duy trì miễn dịch đủ bảo vệ.

Người lao động cần được bảo hộ kĩ trong quá trình làm việc và khi có sang thương da phải đến cơ sở y tế xử lý tốt vết thương, lấy hết dị vật, làm sạch và được tư vấn tiêm ngừa đúng dù chỉ là những vết thương nhỏ.

Chú ý, ở bệnh nhân mắc bệnh uốn ván sau khi khỏi bệnh không gây đủ miễn dịch bảo vệ nên vẫn phải tiêm phòng đầy đủ để phòng bệnh.


Phạm Phong. Ảnh: BVCC
Ý kiến của bạn