Bệnh nhân là ông M.V.U.48 tuổi, ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, vùng hông lưng có một khối áp xe rất lớn đang rỉ dịch từ vết mổ đại tràng.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó ông U. đi nhậu về có ngậm tăm xỉa răng rồi ngủ và vô tình nuốt luôn cây tăm, sau đó thấy đau bụng nên đi khám và được chuyển lên bệnh viện tuyến trên ở TPHCM do bị thủng đại tràng phải mổ lấy cây tăm ra và được cho về nhà. Nhưng do quá trình chăm sóc vết thương không tốt nên bệnh nhân bị nhiễm trùng vết thương khá nặng và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Sa Đéc.
Sau khi được các y, bác sĩ điều trị, ông U. đã hồi phục sức khỏe.
Bà T.T.K.C., vợ ông U. cho hay khi đưa chồng vào viện thì ông U. đã chuyển biến xấu. “Bác sĩ nói chồng tôi quá nặng kêu chuyển tuyến trên mà thấy sức khỏe ổng yếu quá với lại hoàn cảnh gia đình không cho phép nên lúc đưa vào viện cũng đã chuẩn bị tinh thần rồi, tưởng là ổng sẽ chết mà giờ sức khỏe ổn định như vầy tôi và mấy đứa con mừng lắm”, bà C. vui mừng tâm sự.
Theo Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Sơn Tòng - Phó trưởng khoa Ngoại bệnh viện đa khoa Sa Đéc, việc cứu sống một bệnh nhân vượt quá khả năng của bệnh viện đánh dấu thêm một bước thành công nữa của tập thể y bác sĩ Bệnh viện đa khoa Sa Đéc. Hiện bệnh nhân rất ổn, ăn uống được, có thể đi đứng tới lui được, vết nhiễm đã khô, có thể xuất viện trong 1,2 ngày tới.
Theo các bác sĩ, việc sử dụng tăm là một thói quen từ rất lâu của người Việt Nam. Thậm chí một số người còn có thói quen “ngậm tăm đi dạo”, vừa mất thẩm mỹ, mất vệ sinh, vừa gây nguy hiểm cho bản thân nếu lỡ nuốt phải. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thay thế dần tăm tre bằng các loại tăm tổng hợp, tự tiêu sau một khoảng thời gian, hoặc dùng các loại tăm chỉ hoặc chỉ nha khoa thay thế, vừa làm sạch được các mảng bám ở răng tốt hơn, vừa an toàn cho cộng đồng.
Nếu lỡ nuốt phải tăm hay bất kì dị vật nào, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất kiểm tra và nội soi đường tiêu hóa để lấy dị vật càng sớm càng tốt cũng như phát hiện những biến chứng kịp thời.
Một số yếu tố liên quan chặt chẽ với nuốt tăm, bao gồm người nghiện rượu, răng giả, bệnh nhân lớn tuổi, trẻ em, tăm xỉa răng trong thực phẩm và thói quen "ngậm" tăm. Thường bệnh nhân không nhớ nuốt tăm xỉa răng lúc nào hoặc chỉ có thể nhớ lại sự cố sau khi đã được chẩn đoán. Hầu hết bệnh nhân (70%) biểu hiện đau bụng, trong khi 7% bệnh nhân có chảy máu đường tiêu hóa. Hơn nữa thủng đường tiêu hóa do nuốt tăm có thể gây ra triệu chứng cấp tính với các dấu hiệu của viêm phúc mạc, nhưng lỗ thủng cũng có thể tự đóng gây các biến chứng sau này.