Bé Hà năm nay vào lớp 1, trước khi đi học, bé phải trải qua một cuộc phẫu thuật tách rời và phục hồi lại chức năng co duỗi của các ngón tay bên bàn tay phải. Chị Linh - mẹ của Hà ngậm ngùi kể: Cách đây mấy năm, chị đang lúi húi nấu cơm thì nghe tiếng con khóc ré lên, tưởng con bị ngã, ai dè bé bị bỏng nước sôi. Đến giờ này chị Linh vẫn chưa hết ân hận vì sự sơ ý của mình khiến con gặp nạn. Lúc ấy, chị luống cuống không biết xử trí thế nào mà láng máng nhớ trong tủ lạnh mẹ chị tích sẵn một lọ mỡ trăn, bảo là chữa bỏng tốt lắm...
Rồi hết bôi mỡ trăn lại đắp thuốc lá, ai bảo cái gì chị Linh cũng nghe theo, chỉ mong tay con mau khỏi. Ngày đêm chị thao thức chăm bẵm cho con mà bé Hà vẫn không đỡ, nó quấy khóc, rồi phát sốt... Lúc này vợ chồng chị mới khăn gói đưa con ra Viện Bỏng ở Hà Nội để chữa trị.
Bác sĩ cho biết, bàn tay của bé Hà đã bị nhiễm khuẩn, bắt đầu bị hoại tử, các ngón tay dính chặt vào nhau, co quắp. Cũng may vẫn còn kịp để cứu chữa, nếu để muộn hơn thì chỉ còn nước... tháo khớp bàn tay để tránh nhiễm khuẩn lan rộng, nguy hiểm đến tính mạng. Tuy vậy, bé Hà vẫn phải trải qua thêm vài lần phẫu thuật, cùng với luyện tập tránh co cứng khớp ngón tay thì may ra bàn tay mới phục hồi được chức năng.
Bác sĩ cho biết, bé Hà chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bị bỏng, nhưng do sơ cứu và điều trị không đúng cách nên có những biến chứng nặng nề. Trong điều trị bỏng, thì thầy thuốc phải có những kiến thức chuyên khoa để xác định đúng vết bỏng sâu hay nông, tác nhân gây bỏng là gì, nhẹ hay nặng để sử dụng thuốc phù hợp, chứ không phải cứ bị bỏng là có phác đồ điều trị như nhau. Các viết bỏng nông có thể tự khỏi, việc điều trị là nhằm dự phòng các biến chứng đồng thời chống nhiễm khuẩn, giảm đau, chống viêm nề, tạo độ ẩm thích hợp, nuôi dưỡng tốt để vết bỏng liền nhanh nhất. Còn các vết bỏng sâu thì ngoài điều trị toàn thân nhằm ngăn ngừa biến chứng thì cần can thiệp bằng phẫu thuật để làm liền vết bỏng.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc, bệnh nhân tuyệt đối không nên tự ý dùng các thuốc điều trị khi chưa rõ nguồn gốc, chưa xác định được vết bỏng nông hay sâu. Việc sơ cứu ban đầu cũng góp phần quan trọng trong việc điều trị bỏng, do đó, ngay sau khi bị bỏng, bệnh nhân nên ngâm, rửa càng sớm càng tốt vào nước lạnh sạch (không dùng nước đá, đá lạnh) trong khoảng 15 - 20 phút. Sau đó, nên dùng băng vải sạch để băng ép nhẹ vùng bị bỏng rồi đến cơ sở y tế gần nhất, không nên bôi bất cứ thứ gì theo kinh nghiệm lên vết bỏng vì lúc đó người bệnh thêm đau đớn làm nặng thêm tổn thương bỏng hoặc có thể bị nhiễm khuẩn.
Việt Hà