Mặt sưng phù sau thời gian uống thuốc đông y trị đau cổ vai gáy
Nam bệnh nhân H.T.H (75 tuổi) đến bệnh viện khám bệnh do thấy mặt béo phù, mọc lông nhiều, sạm da, chân tay teo kèm theo tình trạng chán ăn, mệt mỏi...
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân được khám và làm các xét nghiệm sinh hóa máu gồm: Cortisol, aldosterol, ACTH (hormon kích thích vỏ thượng thận), glucose, chức năng gan, thận, kali máu... Theo kết quả lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán bị suy tuyến thượng thận nghi ngờ do lạm dụng corticoid.
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết bị đau cổ vai gáy từ lâu. Gần đây được mách mua một loại thuốc đông y đã được sắc sẵn, đóng gói rất tiện lợi về uống. Sau uống thuốc vài ngày, bệnh nhân thấy triệu chứng đau giảm hẳn. Do đó tiếp tục uống thuốc 2 tháng rồi dừng lại.
Nhưng sau khi dừng thuốc một thời gian, triệu chứng đau quay trở lại nên bệnh nhân tiếp tục mua thuốc về uống. Cứ như vậy uống thuốc kéo dài khoảng 6 tháng thì bắt đầu thấy mặt có dấu hiệu căng tròn. Bệnh nhân nghĩ mình tăng cân nên vẫn tiếp tục uống thuốc. Sau đó tình trạng mặt nặng ngày càng tăng còn kèm theo mệt mỏi, chán ăn, hạ huyết áp...
Theo thông tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, suy tuyến thượng thận do nhiều nguyên nhân. Trong đó, phần lớn liên quan đến việc lạm dụng corticoid.
Corticoid là thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị các bệnh viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, hen suyễn, dị ứng... Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bệnh nhân tự ý sử dụng corticoid được mua dễ dàng ngoài hiệu thuốc. Hoặc truyền tai nhau các thuốc đông y dạng viên hoàn, thuốc sắc đóng gói sẵn... để điều trị các triệu chứng đau khớp mà không theo chỉ định của bác sĩ.
Trong các dạng thuốc đông y này, rất nhiều loại có trộn lẫn corticoid nhằm tăng hiệu quả giảm đau nhanh chóng. Nếu người bệnh sử dụng trong thời gian dài, không biết được hàm lượng thuốc đã uống sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó tác dụng phụ rất nguy hiểm là suy tuyến thượng thận. Triệu chứng gợi ý suy thượng thận thường không điển hình như chán ăn, buồn nôn, sụt cân, thay đổi kiểu hình cơ thể, nặng mặt, sạm da.... Một số trường hợp nặng có thể gây ra suy thượng thận cấp với cơn hạ huyết áp, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị bù corticoid kịp thời.
Điều trị suy tuyến thượng thận do corticoid
Theo TS.BS.Trần Đoàn Kết (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), khi dùng corticoid tổng hợp kéo dài, liều dùng càng cao thì nguy cơ suy tuyến thượng thận càng tăng.
Đây là tình trạng suy thượng thận thứ phát do thiếu hormon hướng vỏ thượng thận của tuyến yên và vùng dưới đồi gây ra giảm ACTH, dẫn tới việc giảm cortisol nhưng chức năng sản xuất aldosteron không bị ảnh hưởng.
Để điều trị, tùy từng bệnh nhân, thể bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Tuy nhiên, ở bệnh nhân suy thượng thận thứ phát, thông thường chỉ cần điều trị glucorticoid (cortisol) thay thế.
Các thuốc glucocorticoid bao gồm hydrocortison, prednisolon, dexamethason. Trong đó prednisolon có tác dụng mạnh hơn hydrocortison. Dexamethason cũng là thuốc tổng hợp có tác dụng mạnh, thường không dùng ở trẻ em, vì thuốc có tác dụng mạnh nên khó điều chỉnh liều.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi các biểu hiện lâm sàng và sinh hóa để điều chỉnh liều. Nếu tình trạng sạm da tăng lên, các biểu hiện lâm sàng ít cải thiện, nồng độ ACTH cao là chưa đủ liều, cần tăng liều.
Ngược lại nếu xuất hiện các biểu hiện lâm sàng của hội chứng Cusching như: Béo thân, mặt tròn đỏ… xét nghiệm thấy nồng độ ACTH giảm là biểu hiện của điều trị quá liều.
Lưu ý trong quá trình điều trị
Bệnh nhân suy thượng thận do corticoid thường được điều trị thay thế bằng glucocorticoid với liều thấp nhất sau đó tăng dần liều cho đến khi liều đạt hiệu quả. Bệnh nhân suy thượng thận thứ phát có thể thiếu các hormon tuyến yên khác vì thế có thể phải điều trị thay thế.
Nếu bệnh nhân bị stress, cần phải tăng liều glucocorticoid nhằm tránh những hậu quả nặng nề. Trong trạng thái bị stress, người bệnh thường không dung nạp với corticoid đường uống, do đó cần phải tiêm bắp.
Trường hợp bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt, khả năng phục hồi cao, bác sĩ sẽ chỉ định giảm liều glucocorticoid từ từ cho đến khi ngừng thuốc. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân suy tuyến thượng thận thứ phát không hồi phục thì phải sử dụng thuốc thay thế suốt đời.
Để dự phòng nguy cơ suy vỏ thượng thận cấp, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân biết về việc cần phải điều trị suốt đời và đặc biệt cần phải luôn mang theo thuốc dự trữ bên mình. Với những trường hợp bệnh nhân mắc suy thượng thận đang điều trị khi gặp stress, nhiễm trùng nặng hoặc phẫu thuật… cần phải hiệu chỉnh lại liều cho bệnh nhân.
Nếu có cơn hạ huyết áp, sốc... cần nhanh chóng và đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay. Bệnh nhân cần được điều trị mất muối cấp và các dấu hiệu đe dọa tính mạng. Truyền dịch, điện giải cần phải được thực hiện ngay.
Mời độc giả xem thêm video:
Suy tuyến thượng thận do thói quen dùng thuốc nhỏ mũi bừa bãi.