1. Vai trò của tuyến thượng thận
Mặc dù rất bé, nhưng tuyến thượng thận lại đóng vai trò rất quan trọng. Tuyến thượng thận gồm 2 phần:
- Phần tủy thượng thận tiết ra adrenalin và noradrenalin nhằm duy trì huyết áp và nhịp tim.
- Phần vỏ thượng thận bài tiết ra 3 hormon chủ yếu là: Mineralocorticoid, glucocorticoid và androgen, có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh trung gian chuyển hóa và đáp ứng miễn dịch thông qua glucocorticoid, huyết áp, thể tích tuần hoàn và điện giải thông qua mineralocorticoid và đặc tính sinh dục thứ phát ở nữ thông qua androgen.
Trục dưới đồi - yên thượng thận đóng vai trò quan trọng trong đáp ứng với stress thông qua tăng nồng độ cortisol nhanh chóng khi bị stress.
Các hormone ở tuyến thượng thận rất quan trọng để duy trì sự sống của con người. Do đó, nếu bất kỳ phần nào của tuyến thượng thận bị suy sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều bộ phận khác trong cơ thể.
2. Nguyên nhân khiến tuyến thượng thận bị suy
Nguyên nhân chính gây ra suy tuyến thượng thận, bao gồm:
2.1 Suy tuyến thượng thận nguyên phát
- Người có tuyến thượng thận hoạt động không bình thường; tuyến thượng thận bị tổn thương khiến chúng không sản xuất đủ các hormone quan trọng cho cơ thể.
- Bệnh nhân mắc bệnh Addison có nguy cơ bị suy tuyến thượng thận nếu không được điều trị đúng, kịp thời.
2.2 Suy tuyến thượng thận thứ phát
- Người sử dụng corticoid trong thời gian dài, ngừng thuốc đột ngột mà không có lộ trình. Thời gian dùng thuốc càng dài thì nguy cơ suy tuyến thượng thận càng cao.
- Do tổn thương trục dưới đồi - tuyến yên như u tuyến yên, nhiễm lao, viêm, cắt bỏ tuyến thượng thận một bên do khối u; do điều trị cường vỏ thượng thận, phẫu thuật tuyến yên do u tuyến yên.
- Do dùng thuốc kháng đông máu gây chảy máu ở tuyến thượng thận.
Nếu vỏ thượng thận bị suy do thứ phát thì các triệu chứng thường nhẹ hơn, với các biểu hiện điển hình: mệt mỏi, đau cơ, khớp; hạ huyết áp…
3. Điều trị suy tuyến thượng thận thế nào?
Suy tuyến thượng thận là một bệnh rất nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Nếu bị bi suy cấp có thể dấn đến các triệu chứng: Sốc, co giật, hôn mê, thậm chí là tử vong.
Do đó cần phát hiện tình trạng suy tuyến thượng thận sớm để kịp thời điều trị, giúp bệnh nhân có thể sống khá bình thường.
Tùy từng thể bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Nhìn chung, điều trị thay thế bằng glucocorticoid và mineralocorticoid. Bệnh nhân suy thượng thận thứ phát chỉ cần điều trị glucorticoid thay thế.
- Liệu pháp glucorticoid thay thế ở liều sinh lý được điều trị cho cả bệnh nhân mắc suy tuyến thượng thận thứ phát và suy tuyến thượng thận nguyên phát.
Các thuốc này bao gồm hydrocortison (cortisol); prednisolon (có thể sử dụng thay thế hydrocortison), thuốc này có tác dụng mạnh hơn hydrocortison khoảng 5 lần; dexamethason cũng là thuốc tổng hợp có tác dụng mạnh.
Dexamethason thường không dùng ở trẻ em, vì thuốc có tác dụng mạnh nên khó điều chỉnh liều.
Khi điều trị, để hạn chế tác dụng phụ của thuốc, cần sử dụng liều thấp nhất rồi tăng dần cho đến khi đạt hiệu quả điều trị. Vì thế, trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi các biểu hiện lâm sàng và sinh hóa để điều chỉnh liều. Nếu tình trạng sạm da tăng lên, các biểu hiện lâm sàng ít cải thiện, nồng độ ACTH cao là chưa đủ liều, cần tăng liều.
Ngược lại nếu xuất hiện các biểu hiện lâm sàng của hội chứng Cusching như: béo thân, mặt tròn đỏ… xét nghiệm thấy nồng độ ACTH giảm là biểu hiện của điều trị quá liều.
- Mineralocorticoid: Bệnh nhân suy thượng thận tiên phát cần điều trị mineralocorticoid thay thế với fludrocortison đường uống hằng ngày. Việc điều trị cũng cần theo dõi dò liều để tăng hoặc giảm cho đến khi đạt hiệu quả với liều thấp nhất.
Trong điều trị, nếu bệnh nhân vẫn có các biểu hiện mất nước, thèm ăn muối, hạn natri và tăng kali, tăng PRA và renin… tức là điều trị thay thế không đầy đủ mineralocorticoid, cần phải điều chỉnh tăng liều.
Với suy tuyến thượng thận trẻ em, cần có phác đồ riêng, phù hợp từng tình trạng sức khỏe cũng như cân nặng của mỗi trẻ.
Trong quá trình điều trị, nếu bệnh nhân bị stress, cần phải tăng liều glucocorticoid nhằm tránh những hậu quả nặng nề. Trong trạng thái bị stress, người bệnh thường không dung nạp với corticoid đường uống, do đó cần phải sử dụng thuốc đường tiêm bắp.
Với bệnh nhân bị suy thượng thập cấp, cần chẩn đoán nhanh chóng, để điều trị mất muối cấp và các dấu hiệu đe dọa tính mạng. Truyền dịch, điện giải cần phải được thực hiện ngay, đồng thời tìm nguyên nhân và điều trị những nguyên nhân dẫn tới suy thượng thận cấp. Những bệnh nhân không được chẩn đoán suy thượng thận trước đó cần lấy máu định lượng cortisol và ACTH trước khi điều trị bằng corticoid.
Bệnh nhân suy thượng thận thứ phát điều trị thay thế bằng glucocorticoid với liều thấp nhất có thể, tránh quá liều. Thường không cần sử dụng mineralocorticoid vì những bệnh nhân này vẫn tiết mineralocorticoid bình thường. Bệnh nhân suy thượng thận thứ phát có thể thiếu các hormone khác ở tuyến yên, vì thế có thể phải điều trị thay thế. Luôn phải mang theo thuốc bên mình và thông báo với bác sĩ điều trị nếu đang gặp phải tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc chuẩn bị thực hiện phẫu thuật.
4. Cách dự phòng suy tuyến thượng thận
Từ nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận, cần lưu ý những vấn đề sau:
- Hiện nay rất nhiều người tùy ý sử dụng corticoid trong điều trị, nhất là bệnh nhân xương khớp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến suy tuyến thượng thận thứ phát. Do đó dù mắc bất kỳ bệnh gì, cũng không nên tự ý sử dụng thuốc này khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Bệnh nhân buộc phải sử dụng corticoid lâu dài, cần đi khám bệnh thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh và bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị kịp thời.
- Đối với bệnh nhân đã có suy tuyến thượng thận, thì cơn suy tuyến thượng thận cấp là một trường hợp cấp cứu, rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì thế, cần phải dùng thuốc điều trị suốt đời và đặc biệt cần phải luôn mang theo thuốc dự trữ bên mình. Đặc biệt là với những trường hợp bệnh nhân mắc suy thượng thận đang điều trị khi gặp stress, nhiễm trùng nặng hoặc phẫu thuật… cần lưu ý đặc biệt về viêc dùng thuốc, bởi bác sĩ sẽ phải hiệu chỉnh lại liều cho bệnh nhân.
- Suy thượng thận có thể được phòng tránh hoặc làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách duy trì lối sống khoa học, phù hợp với thể trạng sức khỏe người bệnh. Ngoài ra, với những người có bệnh lý liên quan đến thận cần được điều trị kịp thời dứt điểm để tránh tình trạng biến chứng thành bệnh nguy hiểm.
Mời độc giả xem thêm video:
Nguy hiểm: Người mắc Omicron có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao gấp 5 lần