Suy tuyến thượng thận mạn tính gây hại nhiều phủ tạng

22-05-2012 13:10 | Phòng mạch online
google news

Suy tuyến thượng thận mạn tính hay suy vỏ tuyến thượng thận mạn thường gặp ở người trẻ tuổi.

(SKDS) - Suy tuyến thượng thận mạn tính hay suy vỏ tuyến thượng thận mạn thường gặp ở người trẻ tuổi. Bệnh có biểu hiện đa dạng và có thể ảnh hưởng đến nhiều phủ tạng trong cơ thể như tim mạch, thần kinh... nên trong vấn đề điều trị đòi hỏi người bệnh cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ điều trị, trong sinh hoạt cũng cần chú ý nhằm tránh khởi phát đợt viêm tuyến thượng thận cấp tính.

 Sạm da do suy tuyến thượng thận mạn tính.

Suy tuyến thượng thận mạn có những biểu hiện gì?

Bệnh suy tuyến thượng thận mạn thường gặp ở người trẻ tuổi. Bệnh diễn biến từ từ trong nhiều năm, bắt đầu rất kín đáo. Khi có các triệu chứng nổi bật, rầm rộ thì tổn thương nhu mô tuyến đã rất nặng nề và đã ảnh hưởng đến nhiều phủ tạng.

Triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, thiếu sinh khí, giảm khả năng lao động, mỏi cơ; gầy, sụt cân; hạ đường huyết sáng sớm, lúc đói.

Triệu chứng ngoài da: da nhăn nheo do mất nước, muối; sạm da và niêm mạc. Thường xảy ra trên phần da hở (da mặt, quanh mi mắt, nếp gấp lòng bàn tay, các vết sẹo cũ, đường trắng ở bụng), mặt trong má, môi, lưỡi, những nơi đã thâm cũ (núm vú, bộ phận sinh dục ngoài).

Triệu chứng tim mạch: huyết áp thấp, mạch nhanh, tim bé.

Triệu chứng tiêu hóa: thường bị rối loạn tiêu hóa, tiêu lỏng; bài tiết acid dịch vị giảm ở dạ dày; bệnh túi mật.

Triệu chứng tâm thần kinh: rối loạn ý thức: lú lẫn, lơ mơ, hôn mê. Xen kẽ triệu chứng kích thích thần kinh lẫn ức chế thần kinh: vật vã, choáng.

Thay đổi cơ quan sinh dục, sinh dục phụ: trên thực tế lâm sàng cần chú ý 4 triệu chứng quan trọng mà Addison nêu lên: sạm da, mệt mỏi, hạ đường huyết và sụt cân.

 Vị trí tuyến thượng thận trong cơ thể.

Nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận mạn:

Những nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận mạn thường gặp là: nhiễm khuẩn, đặc biệt là lao thượng thận, lao thứ phát sau lao sinh dục. Có tổn thương vỏ và tủy thượng thận. Bệnh nặng do các rối loạn điện giải. Bệnh tự miễn gây teo thượng thận, suy tuyến yên... Ít gặp: điều trị corticoid kéo dài, điều trị nizoral, ung thư thượng thận, sau phẫu thuật cắt hai tuyến thượng thận.

Làm thế nào để chẩn đoán

suy thượng thận mạn?

Trong suy thượng thận mạn, để xác minh chẩn đoán, thầy thuốc cần dựa vào xét nghiệm máu, nước tiểu, nghiệm pháp động, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, nhấp nháy đồ hạt nhân. Trong máu nồng độ glucose giảm, rối loạn điện giải, clo giảm, natri giảm, kali tăng, cortisol thấp và aldosteron thấp. Trong nước tiểu 24 giờ nồng độ 17 OH steroid giảm, 17 cetosteroid giảm nặng, aldosteron giảm. Nghiệm pháp kích thích ACTH không đáp ứng. Các cận lâm sàng khác: siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ được chỉ định sau khi đã có các xét nghiệm theo chuyên khoa nội tiết và hội chẩn.

Phối hợp toàn diện trong điều trị bệnh

Để điều trị bệnh suy tuyến thượng thận mạn tính cần phối hợp điều trị toàn diện: chế độ ăn uống: khẩu phần ăn đủ muối Na; bù đủ dịch, điều chỉnh điện giải, ổn định huyết áp; điều trị thay thế với các thuốc hydrocortison, prednison. Các chế phẩm này nên dùng sau ăn. Fludrocortison cũng được chỉ định trong một số trường hợp.

Để phòng ngừa suy thượng thận mạn cần điều trị tốt lao tiết niệu - sinh dục, bệnh tự miễn, hội chứng Cushing. Khi đã được chẩn đoán bệnh cần theo đúng phác đồ điều trị, tránh giảm hoặc ngừng thuốc đột ngột vì có thể gây suy thượng thận cấp.  
 
PGS.BS. Trần Văn Chất

Ý kiến của bạn