Chính vì vậy nhiều người lạm dụng hoặc không tuân theo chỉ định của bác sĩ đã để lại một số hậu quả xấu, đáng lưu ý nhất là gây suy tuyến thượng thận.
Vai trò của tuyến thượng thận
Thượng thận là tuyến nội tiết nhỏ nằm ngay phía trên hai quả thận. Mỗi tuyến thượng thận gồm có hai phần, đó là phần tủy (bên trong) tiết ra các hormon catecholamin có tác dụng duy trì mức huyết áp và nhịp tim, phần vỏ (bên ngoài) tiết ra các hormon corticosteroid, những hormon này có vai trò rất quan trọng đối với sự sống của cơ thể chúng ta.
Khi tuyến thượng thận bị suy, có nghĩa là tuyến sản xuất quá ít cortisol, đôi khi là cả aldosterol dẫn đến rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí gây tử vong.
Suy tuyến thượng thận dẫn đến rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
Nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận:
Nguyên nhân ngay tại tuyến thượng thận: Khi vỏ thượng thận bị phá hủy cho nên không thể sản xuất đủ hormon theo nhu cầu của cơ thể, trong đó phải kể đến bệnh tự miễn, sau đó là nhiễm lao hoặc nhiễm vi khuẩn khác hoặc do di căn của ung thư ở một bộ phận khác tới thượng thận hoặc do chảy máu tuyến thượng thận với nhiều lý do khác nhau...
Nguyên nhân ngoài tuyến thượng thận: Thường do tuyến yên bị tổn thương nên sản xuất ACTH bị giảm (ACTH là tên viết tắt của hormon kích vỏ thượng thận -adrenocorticotropic hormon, bài tiết ra các glucocorticoid), hậu quả là hoạt động của tuyến thượng thận cũng bị giảm mặc dù nó không hề bị tổn thương.
Một nguyên nhân suy tuyến thượng thận hay gặp là do dùng quá nhiều hoặc dùng kéo dài, liều cao hoặc do lạm dụng thuốc corticoid (như prednisolon, dexamethason, solu - medrol...) để điều trị các bệnh mạn tính như thấp khớp, hen, Lupus, viêm da dị ứng (mề đay, chàm...)... không theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đây là một nguyên nhân khá phổ biến ở nước ta trong giai đoạn trước đây và hiện nay, gặp nhiều ở các bệnh nhân nữ lớn tuổi, không am hiểu hoặc hiểu sai về tác dụng của corticoid khi bị đau khớp, đau thắt lưng đã tự mua thuốc để điều trị kéo dài, đặc biệt không hiểu được tác dụng phụ nhưng rất nguy hiểm (suy tuyến thượng thận) của corticoid.
Corticoid gây suy tuyến thượng thận như thế nào?
Một người bệnh khi dùng quá nhiều corticoid sẽ ức chế các hoạt động của tuyến thượng thận (làm giảm hoặc ngưng sản xuất corticoid) và khi ngừng uống thuốc corticoid, có khả năng mất phục hồi sản xuất corticoid của tuyến thượng thận để trở về hoạt động bình thường. Đặc biệt, nếu người bệnh đồng thời gặp phải stress mạnh về tinh thần hoặc thể xác (chấn thương, phẫu thuật...) thì sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng.
Biểu hiện của suy tuyến thượng thận do corticoid: Khi đang dùng corticoid liều cao, kéo dài và ngừng thuốc hoặc giảm liều đột ngột bệnh nhân sẽ thấy mệt mỏi, khó chịu, chán ăn, đau cơ, nhức đầu, bong vảy da, thậm chí có sốt. Nếu bệnh nhân bị tổn thương tuyến thượng thận cấp với các triệu chứng nặng, xuất hiện đột ngột như đau bụng, đau lưng, đau chân, nôn và tiêu chảy nhiều gây mất nước nặng; hạ huyết áp (thậm chí huyết áp không đo được). Người bệnh có thể lơ mơ, thậm chí có thể hôn mê (lúc này, cần phải đưa người bệnh tới bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời).
Lời khuyên của thầy thuốc
Corticoid là con dao hai lưỡi: Dùng đúng sẽ rất có hiệu quả trong điều trị. Nhưng khi sử dụng sai, đặc biệt là lạm dụng, kéo dài, liều cao có thể đưa đến nhiều tác dụng không mong muốn như tăng cân (do giữ nước), xuất huyết tiêu hóa, loãng xương (giòn xương), đặc biệt nguy hiểm là gây suy tuyến thượng, đó là cơ quan sản xuất ra corticoid tự nhiên hết sức cần thiết cho cơ thể chúng ta.
Vì vậy, để tránh tác dụng phụ của corticoid người bệnh không được sử dụng một cách bừa bãi, không tự động mua để sử dụng cho bản thân mình hoặc sử dụng cho người nhà; không nghe theo sự mách bảo của người không có chuyên môn hoặc người am hiểu ít về thuốc corticoid tư vấn hoặc bán thuốc corticoid cho mình. Những người bán thuốc cho người bệnh, không được vì lợi nhuận mà bán thuốc corticoid bừa bãi cho người mua.