Suy tuyến giáp trạng và thai nghén

10-07-2019 14:24 | Đời sống
google news

SKĐS - Tuyến giáp trạng là tuyến nội tiết quan trọng giúp điều tiết quá trình chuyển hóa của cơ thể.

Khi mang thai, tuyến giáp trạng sẽ gia tăng sự quy nạp iodine để bảo đảm mức độ bình thường của việc sản xuất nội tiết tố giáp trạng, vì vậy ở những vùng có lượng iodine trong thức ăn hàng ngày không đủ, tuyến giáp trạng có thể phình to lên khi người phụ nữ mang thai. Theo các nhà khoa học, có khoảng 1% phụ nữ mang thai bị thiểu năng tuyến giáp trạng.

Vai trò của tuyến giáp trạng

Tuyến giáp trạng là một tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể nằm ở phía trước cổ có hình dạng như con bướm, phía trước tuyến là da và cơ, phía sau tuyến là khí quản.

Tuyến có nhiều chức năng khá quan trọng do tiết ra nội tiết tố giáp trạng gồm thyroxine được gọi là T4 vì có 4 phân tử iodine trong thành phần và tri-iodo-thyronine được gọi là T3 vì có 3 phân tử iodine trong thành phần.

Suy tuyến giáp trạng và thai nghénKhoảng 1% phụ nữ mang thai bị thiểu năng tuyến giáp trạng dẫn đến suy tuyến giáp

Các nhà khoa học xác định tuyến giáp trạng có các nhiệm vụ bao gồm:

- Tăng hoạt động tế bào, tăng cường chuyển hóa chất glucide làm tăng đường huyết và tăng cường chuyển hóa lipide tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động, giúp giảm cân.

- Tác động lên hoạt động của tuyến sinh dục và tuyến sữa.

- Tăng nhịp tim, tăng lưu lượng máu qua tim, tăng hoạt động hô hấp để cung cấp oxy cho sự chuyển hóa ở các mô tế bào cơ quan.

- Tăng cường hoạt động của não bộ và hệ thần kinh.

- Tác dụng trên sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể, đặc biệt là não bộ.

- Duy trì ổn định lượng calci ở trong máu.

Do iodine là thành phần chính giúp tuyến giáp trạng tổng hợp nội tiết tố giáp trạng cần thiết, vì vậy nếu thừa hay thiếu iodine đều có thể là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh lý về tuyến giáp trạng. Suy tuyến giáp trạng xảy ra khi tuyến giảm sự bài tiết nội tiết tố thyroxine (T4) và tri-iodo-thyronine (T3), nguyên nhân có thể do giảm khẩu phần thức ăn chứa iodine ít hơn 150 microgam iodine mỗi ngày, cắt bỏ tuyến giáp trạng, bị bệnh tuyến giáp trạng bẩm sinh, sử dụng các thuốc kháng giáp trạng...

Các dấu hiệu suy tuyến giáp trạng thường biểu hiện qua các triệu chứng như: thân nhiệt giảm, mệt mỏi, buồn ngủ, tăng cân, táo bón, đi tiểu ít, cơ thể chậm chạp, giảm khả năng tư duy, giảm trí nhớ, nhịp tim giảm, huyết áp thấp, suy giảm chức năng sinh dục...

Đặc biệt suy giáp ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của sản phụ và thai nhi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây suy tuyến giáp trạng trong thời kỳ mang thai phổ biến nhất là do viêm tuyến giáp trạng mạn tính có tính chất tự miễn vì mắc bệnh Hashimoto với tình trạng hệ thống miễn dịch tấn công tuyến giáp trạng làm cho tuyến hoạt động kém dẫn đến suy tuyến. Bệnh có thể có từ trước khi mang thai hoặc cũng có thể xuất hiện lần đầu tiên khi có thai.

Ngoài ra, các nguyên nhân gây nên suy tuyến giáp trạng có thể là do sản phụ đã bị cắt tuyến giáp trạng hoặc điều trị iodine phóng xạ (I 131) hay do đang điều trị bệnh Basedow bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp liều quá cao.

Về yếu tố nguy cơ, các trường hợp sản phụ suy tuyến giáp trạng có tiền sử gia đình nhiều người bị bệnh tuyến giáp trạng, người có bướu cổ to, người đã bị viêm tuyến giáp trạng hoặc suy tuyến giáp trạng trong lần có thai trước, sản phụ ở trong vùng vị thiếu iodine...

Suy tuyến giáp trạng ảnh hưởng đến sản phụ và thai nhi

Đối với sản phụ:

Nếu sản phụ bị suy tuyến giáp trạng không được phát hiện, chẩn đoán và và điều trị hoặc điều trị không đầy đủ, sản phụ có thể bị tất cả những biến chứng cổ điển của bệnh lý suy tuyến giáp trạng như thiếu máu, đau yếu cơ, suy tim, chậm chạp, táo bón...

Ngoài ra sản phụ cũng có nguy cơ bị các biến chứng liên quan đến bệnh lý sản khoa như tiền sản giật, sinh con nhẹ cân và chảy máu sau sinh...

Những biến chứng này có xu hướng xảy ra phổ biến ở các phụ nữ bị suy tuyến giáp trạng nặng, còn đa số các trường hợp suy tuyến giáp trạng nhẹ có thể không có những biến chứng gì nguy hiểm.

Đối với thai nhi:

Tuyến giáp trạng của thai nhi chỉ hình thành và bắt đầu hoạt động ở tuần tuổi từ 10 đến 12 của thai kỳ. Trong 12 tuần đầu, thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nội tiết tố tuyến giáp trạng được cung cấp từ người mẹ. Nếu người mẹ bị suy tuyến giáp trạng, con cũng bị suy tuyến giáp trạng.

Ngoài ra thai nhi còn bị phụ thuộc vào lượng iodine do người mẹ cung cấp. Nội tiết tố tuyến giáp trạng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phân chia, hình thành các cơ quan cũng như sự phát triển bộ não của trẻ.

Nếu không được điều trị thích hợp, sản phụ dễ bị sẩy thai, thai chết lưu, có khuyết tật bẩm sinh kể cả chứng đần độn. Những đứa trẻ bị suy tuyến giáp trạng bẩm sinh có thể có những bất thường trầm trọng cả về sự phát triển trí tuệ cũng như thể chất nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Xử trí can thiệp điều trị

Việc xử trí can thiệp điều trị suy tuyến giáp trạng ở những sản phụ mang thai cần phối hợp bác sĩ nội khoa với bác sĩ sản khoa theo dõi tình hình thai nghén và điều trị bệnh.

Suy tuyến giáp trạng và thai nghénNgười phụ nữ mang thai cần lựa chọn những thực phẩm giàu chất iodine

Thực tế cách thức điều trị suy tuyến giáp trạng ở những phụ nữ mang thai cũng giống như những người không mang thai được xử trí bằng cách bổ sung dạng nội tiết tố tuyến giáp trạng tổng hợp. Tốt nhất và an toàn nhất là phụ nữ nên được điều chỉnh liều lượng nội tiết tố tối ưu, đạt bình giáp trạng trước khi có thai.

Cần xét nghiệm chức năng tuyến giáp trạng với FT4 (free thyroxine) và TSH (thyroid stimulating hormone) mỗi 4 đến 6 tuần trong mỗi lần đi khám thai.

Đối với những phụ nữ đã có suy tuyến giáp trạng và đang điều trị bằng nội tiết tố tuyến giáp trạng, cần làm xét nghiệm FT4 và TSH ngay khi biết có thai và xét nghiệm hàng tháng trong suốt thời gian mang thai vì nhu cầu nội tiết tố tuyến giáp trạng tăng lên trong thời kỳ mang thai nên đòi hỏi phải tăng liều thuốc điều trị.

Ngay sau khi sinh, sản phụ nên quay trở lại sử dụng liều lượng nội tiết tố như trước khi có thai. Lưu ý các vitamin có chứa chất sắt được dùng trước khi sinh có thể làm giảm sự hấp thu nội tiết tố giáp trạng ở đường tiêu hóa, vì vậy hai loại thuốc này nên được dùng cách nhau ít nhất từ 2 đến 3 giờ. Nếu phụ nữ chưa mắc bệnh về tuyến giáp trạng và xét nghiệm TSH lần đầu sau có thai là bình thường hầu như không cần kiểm tra lại tình trạng tuyến giáp trạng.

Phòng ngừa nguy cơ

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây nên suy tuyến giáp trạng ở những phụ nữ mang thai chưa được biết một cách rõ ràng nhưng có thể hiểu rằng khi người phụ nữ mang thai sẽ làm gia tăng sự dung nạp chất iodine để bảo đảm mức độ bình thường của việc sản xuất nội tiết tố giáp trạng.

Ở nước ta, nhất là ở vùng núi cao, các thức ăn thường thiếu chất iodine nên bệnh bướu cố phát triển khá phổ biến; vì vậy cách để phòng ngừa tốt nhất là thực hiện hiệu quả chương trình phòng chống bướu cổ của Bộ Y tế chỉ đạo là dùng muối có iodine thay cho loại muối thường trong bữa ăn hàng ngày. Người phụ nữ mang thai cần lựa chọn những thực phẩm giàu chất iodine như các loại cá biển, trứng, sữa, rau có màu xanh đậm, quả chín có màu vàng...

Từ tuổi vị thành niên, nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh bướu cổ phải được điều trị sớm dù đó chỉ là bướu cổ đơn thuần. Lưu ý cần sàng lọc cho các phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ và tốt nhất là thực hiện cho những phụ nữ mong muốn có thai, đặc biệt ở những phụ nữ có nguy cơ. Trường hợp phụ nữ bị bệnh tuyến giáp trạng nếu muốn có thai, tốt nhất là đợi đến khi điều trị bệnh đã ổn định. Trong khi đang điều trị bệnh, nếu có thai ngoài ý muốn mà muốn giữ lại thai nhi cần đi khám bệnh chuyên khoa nội tiết ngay để có được lời khuyên tốt nhất từ bác sĩ.

Ngoài ra cần sàng lọc sơ sinh ngay sau khi trẻ được sinh ra để phát hiện sớm các trường hợp bị suy tuyến giáp trạng bẩm sinh nhằm có thể điều trị sớm cho trẻ, tránh được các biến chứng hậu quả lâu dài để lại cho trẻ.


BS. NGUYỄN TRÂM ANH
Ý kiến của bạn