Suy tuyến giáp: Thủ phạm giấu mặt gây hiếm muộn

02-01-2016 10:20 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Nhiều trường hợp đang có bệnh ở tuyến giáp nhưng không biết vì các triệu chứng bệnh lý của tuyến giáp không có gì đặc biệt: mệt mỏi, giảm cân, đau cơ, khớp...

Nhiều trường hợp đang có bệnh ở tuyến giáp nhưng không biết vì các triệu chứng bệnh lý của tuyến giáp không có gì đặc biệt: mệt mỏi, giảm cân, đau cơ, khớp... Hơn nữa, người có bệnh ở tuyến giáp không biết rằng mình đang phải đối mặt với nhiều bệnh khác. Bệnh tuyến giáp không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể là một nguyên nhân gây hiếm muộn hoặc sẩy thai thường xuyên.

Suy tuyến giáp ảnh hưởng tới khả năng sinh sản

Nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản bị hiếm muộn mà nguyên nhân xuất phát từ bệnh ở tuyến giáp. Bệnh tuyến giáp không được chẩn đoán và không được điều trị có thể là một nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn hoặc sẩy thai thường xuyên ở phụ nữ. Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng trong cơ thể, nằm phía trước cổ, trọng lượng khoảng 10-20g, hình dạng như con bướm. Tuyến giáp tuy là tuyến nhỏ (sản xuất hormon) nhưng nó tác động lớn đến sức khỏe tổng thể của con người. Tuyến giáp tiết các hormon thyroxin (T4) và triiodothyronine (T3), nhận ảnh hưởng điều hòa của hormon TSH từ tuyến yên trên não. T4/T3 có chức năng điều hòa nhiều chuyển hóa trong cơ thể. Thyroxin có tác dụng: tăng cường quá trình trao đổi chất; kích thích hoạt động của tim, tăng cường sự co bóp; tác động đến hoạt động của các tuyến sinh dục và tuyến sữa; tăng cường quá trình tạo nhiệt, làm tăng đường huyết; kích thích sự phát triển và hoàn thiện hệ thần kinh... Hơn nữa các hormon tuyến giáp còn có tác dụng kích thích sinh trưởng và phát dục, vì thế nó có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Khi tuyến giáp hoạt động không tốt sẽ gây ra tình trạng nhược năng tuyến giáp (suy giảm chức năng tuyến giáp) hoặc cường tuyến giáp (tuyến giáp hoạt động quá mạnh).

Suy giảm chức năng tuyến giáp (suy tuyến giáp) là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ các kích thích tố quan trọng nhất định, không đủ để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường. Suy tuyến giáp là tình trạng bệnh rất thông thường. Người ta ước tính có 3-5% dân số bị suy tuyến giáp và thường xảy ra ở nữ hơn nam và tỷ lệ gia tăng với tuổi. Đối với phụ nữ, có một mối liên hệ giữa suy tuyến giáp và vô sinh hiếm muộn. Mức độ hormon tuyến giáp thấp có thể cản trở sự rụng trứng, làm suy yếu khả năng sinh sản của người phụ nữ. Ngoài ra, progesterone đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị nội mạc tử cung cho trứng thụ tinh. Khi progesterone bị thiếu, trứng sẽ khó thụ tinh với tinh trùng hơn nên sẽ tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn... Những phụ nữ mắc các triệu chứng tiền kinh nguyệt (trầm cảm, kích thích, lo âu, căng vú, đầy bụng hay đau bụng, đau đầu, căng tứ chi...) thường có chức năng tuyến giáp kém hơn so với những người khác. Tuyến giáp ảnh hưởng đến khả năng sản xuất progesterone của buồng trứng, khi chức năng tuyến giáp kém, progesterone được sản xuất ít hơn, dẫn đến các triệu chứng tiền kinh nguyệt.

Suy tuyến giáp ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.

Các triệu chứng khi bị suy tuyến giáp

Các triệu chứng của suy giảm chức năng tuyến giáp thường không rõ ràng. Một số bệnh nhân không có triệu chứng cụ thể, trong khi những người khác cho thấy một số triệu chứng rõ rệt. Các triệu chứng thường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự thiếu hụt nội tiết tố và tốc độ phát triển của bệnh.

Người bị suy tuyến giáp thường có triệu chứng mệt mỏi, táo bón, da khô và thường cảm thấy buồn ngủ, chân sưng phù, đau nhức cơ khớp, không chịu được thời tiết lạnh... ở phụ nữ có dấu hiệu bất thường vấn đề như rối loạn kinh nguyệt và giảm khả năng sinh sản. Da và tóc có thể trở nên khô, tóc cứng hoặc rụng tóc, móng tay bị giòn... Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, có thể có bọng quanh mắt, nhịp tim chậm, giảm nhiệt độ cơ thể và suy tim.

Nguyên nhân của bệnh

Do viêm tuyến giáp hashimoto. Đây là một loại bệnh tự miễn do hệ miễn dịch trong cơ thể tấn công vào mô tuyến giáp làm giảm khả năng sản xuất hormon tuyến giáp. Do viêm tuyến giáp sau sinh; suy giáp bẩm sinh; chấn thương tuyến yên có thể xảy ra sau phẫu thuật não hoặc nếu có giảm tưới máu đến vùng này; phá hủy tuyến giáp sau dùng iod phóng xạ hoặc phẫu thuật; uống nhiều thuốc ảnh hưởng đến sản xuất hormon tuyến giáp và dẫn đến suy giáp; thiếu iốt...

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi gặp các triệu chứng trên, đặc biệt khi nhiều triệu chứng xuất hiện cùng lúc, cần đi kiểm tra hormon tuyến giáp ngay lập tức. Suy tuyến giáp được điều trị bằng việc uống thyroxin tổng hợp. Liều lượng thuốc phụ thuộc vào tuổi tác của bệnh nhân, mức độ nghiêm trọng của suy giáp, sức khỏe người bệnh. Thường xuyên kiểm tra mức độ TSH khoảng 6-8 tuần sau khi bắt đầu dùng hormon tuyến giáp và thực hiện các điều chỉnh cần thiết.

Để bảo vệ tuyến giáp khỏe mạnh, chức năng sinh sản tốt, cần đảm bảo bữa ăn cân bằng và đầy đủ dưỡng chất, ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn, tránh tăng, giảm cân đột ngột, stress, mệt mỏi kéo dài...


BS. Băng Tâm
Ý kiến của bạn