Trong dư luận xã hội những năm gần đây, ngành y tế cũng như các ngành giáo dục, giao thông vận tải... thường được quan tâm, khen chê sôi nổi. Lý do, có lẽ đó là lĩnh vực trực tiếp với dân nhiều. Ai mà chẳng có lúc phải đi khám bệnh, chữa bệnh, chí ít cũng tiêm chủng.
Gia đình nào chẳng có con em đi học. Còn giao thông, ra đến cửa là giao thông rồi. Tên tuổi các bộ trưởng: bà Tiến, ông Luận, ông Thăng thành thân thuộc với báo giới và người dân. Có những điều làm các vị phát khóc nhưng cũng có những ghi nhận xúc động, ca ngợi đóng góp của các vị tư lệnh ngành.
Các y, bác sĩ, cán bộ và nhân viên ngành y đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình để cứu chữa, chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.
Ngành y, đụng chạm đến sống chết của con người nhưng sự nỗ lực lại thường thầm lặng. Những ồn ào, cả chê lẫn khen, nhiều khi lại là không hẳn thế. Tôi có anh bạn bác sĩ, ra trường năm 1965, được phân công về một huyện nhỏ miền núi. Hồi đó đang chiến tranh, anh thầm lặng tự nâng cấp chuyên môn, đảm đương được chức năng chăm lo sức khỏe cho cư dân địa phương. Trong chiến tranh, trang bị, thuốc men đều thiếu thốn, làm được như vậy phải có trách nhiệm và ý chí lắm nhưng lãnh đạo sở tại lại thấy đó là thường, là chuyện đương nhiên. Họ cần một thành tích đột xuất. Còn anh, cứ thường thường, đôi khi lại còn bị nhắc nhở vì máy móc, khó khăn mấy cái tem đường tem sữa cho lãnh đạo. Bữa ấy, người dưới xã cáng lên một bệnh nhân tím tái, khó thở, thể trạng rất tồi. Nhân có đồng chí Phó Bí thư huyện đang ở đó, sau khi khám, bác sĩ bèn xin ý kiến cấp ủy: chuyển lên tỉnh sợ tắt thở dọc đường, giữ lại chữa: sợ quá khả năng chuyên môn. Ông cấp ủy, cũng là người thận trọng, hỏi kỹ anh về các khả năng. Sau cùng, e người bệnh không chịu được di chuyển, ông kêu gọi sự cố gắng và tinh thần quyết thắng để cứu người. Kết quả cứu được bằng thủ thuật chọc dò màng phổi, lấy ra hơn một lít dịch. Sự tích cứu người “chết trông thấy” của một bệnh viện nhỏ đã thành huyền thoại của địa phương. Kể tôi nghe câu chuyện ấy, anh bạn tôi trầm ngâm, hôm ấy nếu không có mặt ông Phó Bí thư huyện thì tôi cũng làm thủ thuật ấy, kết quả chắc cũng thế. Vì đó không phải là ca khó. Nhiều ca khó khác, mình biết khó nhưng vượt được cũng chẳng mấy ai quan tâm.
Trong bài viết về nhạc sĩ Đặng Thế Phong đăng trên tuần báo Văn Nghệ số 1-2 năm 2014, tác giả A. C. viết: “...Không còn dấu vết gì của Trại hoa Ngọc Hà và Nhà thương Cống Vọng ở Hà Nội, nơi nhạc sĩ sáng tạo nên nhạc phẩm bất hủ trong những ngày cuối đời”. Tôi đọc mà kinh ngạc. Về Trại hoa Ngọc Hà, xin nói sau. Dấu vết nó còn nhiều lắm. Còn Nhà thương Cống Vọng thì năm vừa qua đã chữa ngoại trú tới một triệu ba trăm nghìn người bệnh và chữa nội trú một trăm hai mươi ngàn người, hàng ngày làm tới một vạn rưởi xét nghiệm. Một năng suất khổng lồ. Có điều tên gọi của nó thì không còn là Nhà thương Cống Vọng mà là Bệnh viện Bạch Mai. Tôi nêu bài báo này ở đây không có ý định phê phán tác giả hay ban biên tập mà chỉ để nói sự lầm lẫn của người đời đối với ngành y không phải là cá biệt, không chỉ ở mức tin đồn mà vào chữ nghĩa bài vở hẳn hoi.
Ngành y, cũng như nhiều ngành trực tiếp với dân, đang được nhắc nhở nhiều thiếu sót, cả về y đức lẫn chuyên môn. Nhưng tìm ra nguyên do để khắc phục nó mới là chuyện cần làm. Có những nguyên do phải sửa từ nguồn như từ cơ chế phi lợi nhuận sang cơ chế thị trường sinh ra nhiều chồng chéo, nhiều lỗ hổng, hành người bệnh và làm khó thầy thuốc. Ai mà không thấy hiện tượng bệnh nhân nằm chung đôi, chung ba một giường bệnh. Nghe nói có lần Bộ trưởng đến thăm, bệnh nhân chui từ gậm giường ra tươi cười chào đón (!) Hiện tượng, nhưng phổ biến và kéo dài đến mức ra đời thành ngữ Hán tự sang trọng “hiện tượng quá tải” để nêu danh. Nhưng tại sao mấy chục năm trước, khi các bệnh viện tuyến cuối còn nhỏ bé, giường bệnh ít, thì không quá tải mà bây giờ... như các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức... xây các nhà cao vài chục tầng thay thế nhà một hai tầng, thì lại quá tải. Do dân số tăng? Có chuyện đó. Nhưng còn bao nhiêu giường bệnh ở cấp huyện, cấp tỉnh đã tăng theo số dân kia mà. Nguyên nhân sinh quá tải là ở sự trả tiền. Thời trước chữa bệnh, người bệnh không phải trả tiền. Nhưng chữa ở đâu, ở huyện, ở tỉnh hay ở Trung ương là do thầy thuốc quyết định, bằng “kính chuyển”. Người bệnh không thể tự ý chạy thẳng về Bạch Mai hay Việt Đức. Ngày nay, chữa theo yêu cầu, nói mỹ tự thế cho sang chứ “nói Nôm” là chữa bệnh trả bằng tiền của mình. Đằng nào cũng tốn thì cứ chọn nơi khá nhất. Đắt xắt ra miếng. Cái mạng của mình thì mình phải lo. Cho nên giải quyết tình trạng quá tải có thể phải làm ở nhiều khâu: tăng giường bệnh, giảm ngày nằm viện, nâng cao chất lượng các bệnh viện tuyến dưới... Những khâu ấy đều cần. Có khi còn là rất cần như việc nâng cao chất lượng điều trị ở tuyến dưới. Nhưng điều không thể thiếu là phải đụng thẳng vào cái khâu trả tiền kia. Điều lệ bảo hiểm y tế sửa đổi vừa rồi cũng đã tính đến việc này. Tuy nhiên, trong cái khó ló cái khôn. Có một bước trưởng thành vượt bậc là sức đáp ứng của những bệnh viện quá tải ấy thì lại chưa (hoặc ít) được dư luận xã hội quan tâm. Xin lấy thí dụ một cơ sở là cái “Nhà thương Cống Vọng” mà có người tưởng không còn dấu vết.
Thuở ban đầu, đấy là một nhà thương nhỏ, người Pháp xây năm 1911, chỉ chữa các bệnh lây nhiễm, là loại bệnh mà lính viễn chinh lạ thủy thổ dễ mắc. Năm 1929, xây tiếp, liền kề, Nhà thương đa khoa Cống Vọng. Nhà thương lây trở thành một khoa của nhà thương mới: Khoa Lây. Cơ sở kiến trúc của Khoa Lây còn được dùng đến gần đây mới phá đi lấy chỗ xây khu nhà Việt Nhật. Đó là quần thể các nhà một tầng, kiểu nhà sàn, cách biệt nhau để tránh lây chéo, góc vườn có cả dãy xà lim để chữa bệnh dại lên cơn, trông hãi hùng lắm. Tên gọi Nhà thương đa khoa Cống Vọng, tháng 3/1945, thời bác sĩ Trần Văn Lai làm Thị trưởng Hà Nội, đổi là Bệnh viện Bạch Mai. Nhà cửa của Bệnh viện Bạch Mai, gồm các căn nhà hai tầng nối nhau bằng các hành lang và đều có tầng hầm thì vẫn giữ nguyên vẹn cho đến thời đổi mới. Khi nhiều khoa tách dần thành Viện: Viện Da liễu, Viện Huyết học, Viện Lão khoa, Viện Tim mạch, Viện Sức khỏe tâm thần, Viện Các bệnh nhiệt đới, Viện Tai-mũi-họng, Viện Y học hạt nhân... thì các viện mới phá cũ xây mới. Bề thế, sang trọng nhưng cũng phá vỡ phong cách kiến trúc hài hòa của bệnh viện xưa. Phòng khám được xây thành một khu quy mô có chức năng chữa ngoại trú cho nhiều khoa, với các phòng xét nghiệm hóa sinh, chẩn đoán hình ảnh (Xquang, cắt lớp, siêu âm) và khu cấp thuốc, bán thuốc... trên nền cũ của Khoa Lao. Khoa Lao trong Nhà thương Bạch Mai xưa nằm tách biệt trên khu đất ruộng với mấy căn nhà một tầng thấp bé hiu quạnh, có tường ngăn bao quanh rất tội nghiệp. Bây giờ lại là khu náo nhiệt nhất của bệnh viện. Hàng ngày trên dưới 4 nghìn người bệnh vào ra, chưa kể người nhà đi theo và cán bộ bệnh viện. Vận hành, sắp xếp thế nào để phục vụ được cả khối người khó ăn, khó ở sinh ra khó tính ấy? Trước hết là một nỗ lực kiên trì với rất nhiều sáng kiến điều hành. Và sau nữa là vận dụng thành tựu của y học hiện đại. Trên nửa thế kỷ trước, tôi là sinh viên thực tập ở đây, tôi chưa quên cái không khí tĩnh lặng có phần hiu hắt của Bạch Mai hồi ấy. Bây giờ tôi thật sự kinh hoàng và cảm phục sức điều hành và tốc độ làm việc của trung tâm điều trị khổng lồ này. Người bệnh đông. Khám, chẩn đoán phải nhanh. Nhanh mà hiệu quả. Những đặc điểm ấy không dễ đồng hành. Khoa học và kinh tế nước ta hội nhập thế giới mới ngót hai chục năm. So với nhiều ngành trong lĩnh vực khoa học công nghiệp, thì y tế hội nhập xuất sắc, nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng thành công những thành tựu khoa học kỹ thuật của y học tiên tiến. Về hóa sinh, Việt Nam đến sau nhưng đã kịp ngang tầm các nước tiên tiến, làm thay đổi hẳn cung cách chẩn đoán và theo dõi điều trị. Những thủ thuật can thiệp tim mạch mới nhất của thế giới đã áp dụng và nhanh chóng phổ cập ở Việt Nam, được Việt Nam cải tiến, nâng cao và bàn giao trở lại. Phương pháp ghép tạng, ghép đa tạng thành công trong nhiều cơ sở ngoại khoa... Riêng Bệnh viện Bạch Mai vừa đáp ứng nhu cầu chữa bệnh tuyến cao nhất cho người bệnh “vượt tuyến” toàn miền Bắc, vừa là bệnh viện đào tạo đại học và sau đại học, đồng thời là mũi nhọn nghiên cứu y học chủ lực cho cả nước.
Một điều ít người nói tới nhưng hầu hết người bệnh, tôi đoán thế, đều tính đến khi chọn nơi chữa bệnh. Ấy là tiền viện phí. Ai đã đi chữa bệnh ở các nước Âu - Mỹ đều phải nhận là bệnh viện của họ tuyệt vời, phục vụ của họ chu đáo, chẩn đoán điều trị của họ khoa học, hiệu quả. Nhưng sự lấy tiền của họ thì bằng năm bằng mười ở ta. Bạn tôi hai ngày một đêm nằm viện ở Mỹ phải trả tính ra tiền Việt, hơn ba trăm triệu. Người bệnh hay cơ quan bảo hiểm bên đó đều phải cân nhắc xít xao ngày lưu trú. Ở ta, kinh phí cho y tế chỉ ở mức khiêm tốn mà lo cho phòng dịch (với các loại tiêm chủng) rồi khám, chữa và quản lý bệnh tật được đến thế cũng là một tài lạ, có tâm có tình với dân với nước.
Dù vậy vẫn phải trở lại cái ý ban đầu và cũng đã nói thoáng ở trên: lời phàn nàn của người bệnh đối với cả y đức lẫn y tài của thầy thuốc nghe vẫn còn huyên náo lắm. Nghề được dân gọi là thầy, thầy thuốc, là dân rất trọng, trọng từ truyền thống xa xưa. Con mắt xanh của nhân dân hôm nay cũng ngày càng tinh tế để nhận ra trong cõi tiền trao cháo múc của kinh tế thị trường đâu là những lương y kiêm từ mẫu của mình. Mong các thầy thuốc cứng chân mát tay, biến bệnh dữ thành lành cho nhân dân nhờ cậy.
Nhà thơ Vũ Quần Phương