Hà Nội

Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới - không thể chủ quan

30-10-2019 12:59 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Suy tĩnh mạch (TM) mạn tính là tình trạng các TM không thể bơm đủ máu nghèo ôxy trở về tim. Bệnh này thường gặp ở chi dưới, xảy ra khoảng 10 - 35%, người lớn.

Bệnh thường tiến triển chậm, không rầm rộ, ít nguy hiểm nhưng trở ngại nhiều cho sinh hoạt và công việc hằng ngày, điều trị lâu dài và tốn kém, nhất là khi có biến chứng.

Hay gặp ở bệnh nhân nữ

Suy TM khá phổ biến, nhất là những người làm việc phải đứng hoặc ngồi lâu, ít vận động cơ bắp chân. Đối tượng rất dễ bị suy TM là phụ nữ mang thai. Lúc mang thai có thể có biểu hiện của phù hay nổi TM, giãn TM hoặc không có biểu hiện gì. Ngay sau sinh có thể những biểu hiện này “biến mất”. Tuy nhiên, sau sinh 3-5 năm, phần lớn phụ nữ bắt đầu có những triệu chứng sớm của suy TM.

Nữ thường bị nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành TM, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề như bán hàng, thợ dệt, do khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp.

Tăng trọng quá mức cũng là một yếu tố nguy cơ vì lực tác động từ phía trước để hút máu về bị giảm và các dòng trào ngược ly tâm phát sinh do gia tăng áp lực từ ổ bụng.  Thuốc ngừa thai do sử dụng nội tiết tố nên cũng là một yếu tố nguy cơ như thai nghén.

Phẫu thuật có thể gây ra biến chứng huyết khối TM và viêm TM nhất là những phẫu thuật vùng tiểu khung như phẫu thuật trong sản khoa và niệu khoa các thủ thuật khác như bó bột, bất động lâu trong gãy xương... Tuy nhiên, gần đây tầm quan trọng của yếu tố nguy cơ này đã giảm bớt.

Các bước tiến triển của suy giãn tĩnh mạch chân.

Các bước tiến triển của suy giãn tĩnh mạch chân.

Dấu hiệu không thể chủ quan

Suy TM là tình trạng suy yếu chức năng của các TM ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả nữa, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần. Hậu quả là các TM bị quá tải, căng giãn ra, làm thoát dịch ra mô xung quanh gây ra các triệu chứng tại chỗ như mỏi chân, nặng chân, vọp bẻ (chuột rút), đau nhức bắp chân, ngứa da, phù chân... Tình trạng ứ đọng này kéo dài qua nhiều tháng, nhiều năm và ngày càng nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khó trị như loét chân, tắc mạch, viêm mạch... nếu ngay từ giai đoạn sớm không được điều trị đúng cách.

Thông thường người bệnh có cảm giác bó chặt ở bắp chân, nặng chân, mỏi chân, mất ngủ. Có khi thấy tê, kiến bò vùng bàn chân. Vọp bẻ (chuột rút) ở bắp chân, thường xảy ra về đêm. Sưng phù xung quanh hai mắt cá, thấy rõ vào buổi tối. Các triệu chứng thường nặng lên vào chiều tối, hoặc sau khi đứng lâu, sau một ngày làm việc và giảm bớt vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, hoặc sau khi nghỉ ngơi, kê chân cao. Khi có các biểu hiện trên thì cần tới cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Phân loại mức độ:

- Độ 0: Chỉ đơn thuần có triệu chứng cơ năng như đã mô tả

- Độ 1: Giãn các TM xa, TM lưới, sưng vùng mắt cá chân.

- Độ 2: Xuất hiện giãn TM rõ, điển hình.

- Độ 3: Có kèm theo phù nhưng không có những biến đổi của da.

- Độ 4: Đã có biến đổi của da như sạm da, chàm, xơ mỡ bì.

- Độ 6: Biến đổi da và có loét tiến triển.

Về điều trị

Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cho phù hợp, điều trị nội khoa bao gồm: thay đổi thói quen sinh hoạt và công việc hằng ngày; tùy trường hợp mà sử dụng các thuốc: giảm đau, kháng viêm, kháng sinh, chống đông, làm tan cục máu, làm bền thành mạch (aescin, flavonoid)...; Chích xơ: áp dụng cho các giãn tĩnh mạch nhỏ dạng lưới và khu trú.

Điều trị phẫu thuật như: Lấy bỏ các túi TM giãn, lột TM, sửa van, tạo hình TM qua da... Can thiệp nội mạch bằng sóng cao tần hay laser: Là kỹ thuật mới điều trị giãn TM, ít đau, mau hồi phục và đảm bảo thẩm mỹ, thay cho phẫu thuật lột TM kinh điển trước đây.

Suy TM diễn biến mạn tính lâu dài theo thời gian và tuổi tác. Vì vậy, cần tập trung chữa trị tốt, có kế hoạch theo dõi tái khám định kỳ khi bệnh còn ở giai đoạn sớm. Điều trị bằng thuốc và tất áp lực ở giai đoạn giãn TM nhỏ dạng mạng nhện hay dạng lưới. Ở giai đoạn giãn thân TM, cần đến phẫu thuật cắt bỏ hoặc can thiệp nội mạch phối hợp với điều trị nội khoa.

Ngoài ra, cần thay đổi thói quen làm việc và sinh hoạt; tránh đứng lâu hoặc ngồi bất động kéo dài; khi đi ôtô hay máy bay đường dài thì phải gấp duỗi chân từng lúc cho máu lưu thông, uống nhiều nước, mang tất dài hỗ trợ; giảm cân khi dư thừa; dùng thuốc đề phòng huyết khối tĩnh mạch sâu khi có chỉ định. Các tổn thương van TM mạn tính tuy không thể hồi phục, nhưng nếu điều trị tốt, người bệnh vẫn còn có thể làm việc sinh hoạt bình thường. Theo các chuyên gia về TM học trên thế giới, khả năng tái phát của bệnh suy TM mạn tính chi dưới là khá cao có thể lên đến trên 30%. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong điều trị như không uống thuốc đúng thời gian quy định, không đeo tất y khoa vì cảm thấy vướng víu khi hoạt động, không thay đổi chế độ làm việc và chế độ ăn uống giàu chất xơ ít chất bột đường... và không tham gia các hoạt động thể dục thể thao.

Vì vậy, với một bệnh mạn tính, thành công của việc điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất ngoài việc chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả mà còn phụ thuộc vào việc hiểu biết của bệnh nhân về tình trạng bệnh tật và tuân thủ theo điều trị cùng các vấn đề phòng bệnh.

Trên thế giới tỷ lệ mắc bệnh 10- 61% (tỷ lệ nam /nữ từ 1/2 đến 1/4). Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tần suất gặp suy tĩnh mạch gấp 10 lần bệnh động mạch chi dưới.

Ở Việt Nam, nhiều bệnh nhân ít quan tâm, ngại đi khám, thầy thuốc coi nhẹ và bỏ sót các triệu chứng. Theo một nghiên cứu chỉ có 8,2% bệnh nhân suy tĩnh mạch được điều trị và đa số là sử dụng các loại thuốc chữa triệu chứng như aspirin, lợi tiểu hoặc các loại thuốc Đông y.


BSCKII. Nguyễn Thị Hải
Ý kiến của bạn