1. Suy tim cấp là gì?
- Suy tim cấp là tình trạng triệu chứng suy tim khởi phát đột ngột hoặc từ từ nhưng làm người bệnh phải đi bệnh viện khám ngoài kế hoạch hoặc nhập viện cấp cứu.
- Bệnh nhân suy tim cấp cần được đánh giá và xử trí cấp cứu với thuốc đường tĩnh mạch hoặc thủ thuật.
- Suy tim cấp là nguyên nhân nhập viện hàng đầu ở người trên 65 tuổi. Tỷ lệ tử vong bệnh viện từ 4% - 10%, tử vong sau xuất viện 1 năm từ 25% - 30%, có thể lên tới hơn 45% tử vong và tái nhập viện.
- Suy tim cấp có thể gặp là suy tim cấp mới khởi phát lần đầu tiên hoặc xảy ra trên nền suy tim đã có sẵn.
2. Nguyên nhân bệnh suy tim cấp
Nhóm nguyên nhân do tim mạch:
- Hội chứng động mạch vành cấp.
- Rối loạn nhịp nhanh (rung nhĩ, nhịp nhanh thất).
- Rối loạn nhịp chậm (block nhĩ thất độ III, suy nút xoang).
- Cơn tăng huyết áp Viêm cơ tim cấp.
- Thuyên tắc phổi.
- Hở van tim cấp.
- Bóc tách động mạch chủ.
- Chèn ép tim cấp.
- Các nguyên nhân cơ học: vỡ tim, thủng vách liên thất hoặc hở van tim cấp sau nhồi máu cơ tim.
Nhóm nguyên nhân không do tim:
- Sốt và nhiễm trùng.
- Đợt cấp bệnh phổi mạn tắc nghẽn.
- Suy thận cấp.
- Thiếu máu.
- Bệnh chuyển hóa (cường giáp, suy giáp, nhiễm toan ceton do đái tháo đường, suy thượng thận, thai kỳ, các bất thường chu sinh).
Nhóm nguyên nhân khác:
- Chế độ ăn (ăn nhiều muối, nước uống vào tăng).
- Không tuân thủ điều trị (ngưng thuốc hoặc thay đổi liều thuốc).
- Thuốc và độc chất (uống thêm kháng viêm nonsteroid, corticoides, thuốc ức chế co bóp cơ tim, hóa trị có độc tính trên tim, rượu, thuốc kích thích).
- Do thầy thuốc gây ra khi làm thủ thuật can thiệp tim.
3. Triệu chứng bệnh suy tim cấp
Các triệu chứng gồm:
- Khó thở (triệu chứng phổ biến nhất).
- Hơi thở nặng nề.
- Cảm giác như nghẹt thở.
- Khó thở khi nằm xuống.
- Nặng ngực.
- Ngoài ra các triệu chứng suy tim cấp tính khác có thể bao gồm: Chứng loạn nhịp tim, đau ngực, ho, phù nề ở cánh tay hoặc chân, mất ý thức.
4. Cách điều trị bệnh suy tim cấp
Vai trò của việc điều trị:
- Hiện tại chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh suy tim cấp, nhưng việc điều trị có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như kéo dài tuổi thọ.
- Suy tim cấp tính có thể ảnh hưởng lâu dài đến cơ thể, do đó việc điều trị tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa suy tim cấp trong tương lai.
- Điều trị khẩn cấp cho bệnh suy tim cấp tính giúp phục hồi lưu lượng máu và nồng độ oxy.
Việc điều trị thường bao gồm:
- Cung cấp oxy qua mặt nạ.
- Thuốc giãn mạch, thuốc làm giãn các mạch máu bị thu hẹp.
- Thuốc lợi tiểu giúp cơ thể loại bỏ dịch dư thừa.
- Một số trường hợp bệnh nhân nặng tiển triển đến sốc tim có thể phải cần hỗ trợ huyết động bằng thuốc vận mạch.
- Sau khi xuất viện, cần dùng thuốc để cải thiện sức khỏe tim mạch cũng như giảm tỷ lệ tử vong và nhập viện trở lại.
Một số phương pháp điều trị khác:
- Đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cho bệnh động mạch vành.
- Sửa chữa hoặc thay thế van tim bị hư hại (phẫu thuật van tim).
- Cấy máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim cấy ghép (ICD) để giúp bạn duy trì nhịp tim đều đặn và giúp điều trị nhịp tim nguy hiểm.
- Thay trái tim của bạn bằng một trái tim khỏe mạnh từ người hiến tặng (ghép tim).
- Hỗ trợ thêm cho tim của bạn bằng thiết bị hỗ trợ co bóp tim cho đến khi bạn có thể được cấy ghép.
5. Bệnh suy tim cấp có lây nhiễm không?
Bệnh suy tim cấp không lây nhiễm.
6. Cách phòng bệnh suy tim cấp
Duy trì một lối sống lành mạnh cho tim có thể làm giảm nguy cơ suy tim cấp tính, cụ thể:
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng chế độ ăn uống bao gồm nhiều trái cây và rau quả.
- Bỏ thuốc lá, tránh hút thuốc thụ động.
- Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên và ngủ ngon.
- Kiểm soát stress.
- Làm theo hướng dẫn chăm sóc đối với các bệnh lý mạn tính như ngưng thở khi ngủ hoặc đái tháo đường.