Suy thận được chia làm 2 loại suy thận mạn và suy thận cấp. Suy thận mạn thường không phục hồi được.
Vì sao bị suy thận
Các nguyên nhân gây bệnh suy thận có thể do:
- Các bệnh lý cầu thận: Chiếm 40% bao gồm viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư, viêm cầu thận do bệnh hệ thống, viêm cầu thận do bệnh rối loạn chuyển hóa…
- Bệnh ống kẽ thận mạn: Viêm thận bể thận mạn…
- Bệnh mạch máu thận: Tăng huyết áp, hẹp động mạch thận, huyết khối mạch máu thận…
- Bệnh tự miễn: Lupus, xơ cứng bì…
- Bệnh thận bẩm sinh và di truyền: thận đa nang, hội chứng Alport…
- Nhiễm độc kéo dài, dùng thuốc độc cho thận…
- Nguyên nhân khác: Đái tháo đường, xơ gan…
BSCKII Trịnh Hùng giải đáp về tiên lượng của người mắc suy thận mạn.
Biểu hiện suy thận
Suy thận có thể nhận biết sớm qua một số dấu hiệu. Các triệu chứng thường gặp của suy thận bao gồm:
- Phù, tiểu ít
- Huyết học: Thiếu máu
- Tim mạch: Tăng huyết áp, suy tim
- Cơ xương khớp: Chuột rút, đau xương
- Tiêu hóa: Chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa
- Thần kinh: Lơ mơ, ngủ gà, co giật, hôn mê.
Suy thận sống được bao lâu?
Vì suy thận mạn là bệnh lý không thể chữa khỏi hoàn toàn. Theo thời gian suy thận sẽ tiến triển dần dần đến giai đoạn cuối. Lúc này người bệnh sẽ phải điều trị thay thế thận. Nếu người bệnh tuân thủ điều trị tốt từ khi phát hiện suy thận mạn đến khi tiến triển suy thận. Thời gian có thể kéo dài từ 10-20 năm. Với điều kiện người bệnh phải tuân thủ tốt chế độ ăn uống, sinh hoạt, dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Vì suy thận là bệnh lý tiến triển qua nhiều năm, nhiều giai đoạn. Hơn nữa có thể nhiều bệnh lý đi kèm (tăng huyết áp, đái tháo đường…). Nếu bệnh nhân không kiểm soát tốt các bệnh lý nền, có thể sẽ bị biến chứng từ các bệnh lý nền này.
Điều trị suy thận bằng cách nào?
Suy thận mạn không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Có 2 phương pháp cơ bản để điều trị suy thận mạn.
- Điều trị bảo tồn. Thường áp dụng khi mức lọc cầu thận GFR > 15ml/phút. Mục tiêu của giai đoạn điều trị này là làm chậm hoặc ngăn ngừa tiến triển của bệnh. Đồng thời hạn chế các biến chứng của suy thận.
- Điều trị thay thế thận suy. Thường áp dụng khi GFR ≤ 15ml/phút. Người bệnh có thể sử dụng phương pháp lọc máu ngoài cơ thể (lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo), ghép thận. Những phương pháp này giúp cho chất lượng cuộc sống của bệnh nhân gần như trở lại bình thường.
Suy thận uống thuốc gì?
Tùy thuộc vào nguyên nhân, giai đoạn và mức độ suy thận. Bác sĩ sẽ sử dụng các nhóm thuốc khác nhau cho phù hợp như:
- Thuốc điều trị đái tháo đường.
- Thuốc lợi tiểu.
- Thuốc tạo máu: erythropoietin.
- Bổ sung các yếu tố vi lượng, chất khoáng: Calci, sắt, acid folic, vitamin B12.
Mỗi giai đoạn của suy thận mạn tùy thuộc vào mức lọc cầu thận mà lựa chọn thuốc điều trị phù hợp. Chính vì vậy, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị. Bên cạnh đó không tự ý sử dụng các thuốc điều trị suy thận cũng như các bệnh lý khác nếu không có ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Vì nguy cơ làm suy thận tiến triển nhanh đến giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận hoặc ngộ độc thuốc do quá liều.
Hiện nay có nhiều người bệnh mắc suy thận, tự ý điều trị bằng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều này gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Đối với người bệnh phần do kiến thức y học chưa đầy đủ, do điều kiện kinh tế không có khả năng chi trả các đơn thuốc điều trị kéo dài. Một phần do nghe các lời khuyên truyền miệng và tâm lý có bệnh thì nghe đâu chữa đó. Chính vì vậy, nhiều người mắc bệnh thận mạn có xu hướng sử dụng thuốc nam. Tuy nhiên, thuốc y học cổ truyền cũng như thuốc tây mỗi thành phần hóa học có tác dụng đối với từng nguyên nhân, từng giai đoạn bệnh khác nhau. Có thể ở giai đoạn này, nguyên nhân này sẽ có tác dụng nhưng ở giai đoạn khác, nguyên nhân khác lại phản tác dụng.
Trong khi suy thận mạn là tổn thương đồng thời nhiều hệ cơ quan khác nhau như huyết học, tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, cơ xương khớp. Vì vậy, điều trị suy thận mạn là tổng hợp của nhiều yếu tố. Nên có nhiều trường hợp sau khi điều trị thuốc nam thường quay trở lại bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bệnh diễn biến nặng, nhiều biến chứng. Phần nhiều các trường hợp này tiên lượng thường xấu do tổn thương thận không hồi phục. Thậm chí mất chức năng hoàn toàn phải phụ thuộc vào lọc máu ngoài cơ thể.
Bệnh nhân khi bị suy thận mạn cần tuân thủ chế độ ăn uống sinh hoạt, phác đồ điều trị thuốc. Đồng thời thường xuyên tái khám định kỳ để theo dõi xét nghiệm, điều chỉnh thuốc và lập kế hoạch điều trị phù hợp với từng giai đoạn. Trường hợp người bệnh muốn thay đổi phác đồ điều trị hoặc sử dụng thêm các phương pháp điều trị khác nên tham khảo ý kiến tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện.
Xem thêm video được quan tâm:
Các Thực Phẩm Ngon Nhưng Người Mắc Bệnh Thận Cần Tuyệt Đối Tránh | SKĐS