Thận là một trong những cơ quan đảm nhận nhiều chức năng của cơ thể. Một trong những chức năng quan trọng nhất của thận là lọc máu. Quá trình lọc máu giúp giữ lại các chất thiết yếu cho cơ thể và loại thải chất độc hại.
Theo Hội Thận học quốc tế (International Society of Nephrology) và Hội Thận học quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation) đã chia bệnh thành 5 giai đoạn dựa trên độ lọc cầu thận (GFR) gồm:
Giai đoạn 1: GFR bình thường hay cao, GFR > 90 mL/phút.
Giai đoạn 2: GFR khoảng 60 – 89 mL/phút.
Giai đoạn 3: Suy thận độ 3A (GFR khoảng 45 – 59 mL/phút), suy thận độ 3B (GFR khoảng 30 – 44 mL/phút).
Giai đoạn 4: GFR khoảng 15 – 29 mL/phút.
Giai đoạn 5: GFR < 15 mL/phút.

Suy thận có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể.
Biểu hiện của suy thận độ 2
Suy thận độ 2 thường chưa biểu hiện triệu chứng rõ ràng, tuy nhiên khi có những hiện tượng sau đây thì cần cảnh giác để thăm khám chẩn đoán bệnh ngay:
- Bỗng nhiên số lần đi tiểu trong ngày tăng lên, kèm theo màu nước tiểu đậm hơn, đôi khi có máu trong nước tiểu.
- Bàn tay, bàn chân, mặt bị sưng phù.
- Da bị ngứa và phát ban.
- Hai bên sườn có cảm giác đau tức.
- Hay bị khó ngủ.
- Vị giác và hơi thở thay đổi theo chiều hướng có mùi, thở nông, ăn cảm thấy có vị lạ ở trong miệng và không còn thấy ngon miệng như trước nữa.
Để chẩn đoán người bệnh mắc suy thận độ 2 thì điều quan trọng không phải ở triệu chứng lâm sàng mà cần thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng thận như:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra độ lọc cầu thận (eGFR)
Đây là xét nghiệm được thực hiện với mục đích đánh giá creatinin và ure máu để bác sĩ ước đoán chức năng thận một cách tương đối. Nếu kết quả cho thấy có suy giảm chức năng thận thì bác sĩ có thể sẽ tiến hành thêm một số xét nghiệm chuyên biệt khác để có căn cứ đưa ra quyết định điều trị bệnh.
- Xét nghiệm thành phần nước tiểu
Thông qua các thành phần có trong nước tiểu bác sĩ sẽ có căn cứ để đánh giá sơ bộ về chức năng thận. Thường thì ở người bị suy thận trong kết quả xét nghiệm nước tiểu sẽ nhận thấy sự hiện diện của protein hoặc máu.
- Siêu âm bụng
Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này giúp đánh giá cấu trúc và hình thái thận.
Ngoài những phương pháp chẩn đoán phổ biến nêu trên thì trong một số trường hợp cần thiết bác sĩ có thể sẽ yêu cầu chụp CT, chụp MRI hoặc sinh thiết thận để tìm nguyên nhân gây tổn thương thận.
Phòng ngừa bệnh suy thận
Những biến chứng của bệnh suy thận vô cùng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng của người mắc. Chính vì vậy việc phòng ngừa bệnh đóng vai trò vô cùng cần thiết.
Dưới đây là những biện pháp có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc phải suy thận:
- Thiết lập lối sống lành mạnh: Chúng ta cần phải luyện tập thể thao hàng ngày để có thể duy trì cân nặng và nâng cao sức khoẻ. Bên cạnh đó cần theo dõi thường xuyên và duy trì chỉ số huyết áp ở mức cho phép. Đồng thời kiểm soát lượng acid uric, glucose và cholesterol có trong máu. Đặc biệt không nên sử dụng thức uống có cồn như rượu, bia và các chất kích thích.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Giảm lượng muối, đạm và dầu mỡ nạp vào cơ thể trong bữa ăn hàng ngày. Đồng thời cũng nên bổ sung thêm các thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên như các loại rau, củ, quả có lợi cho sức khỏe.
- Uống đủ nước: Mất nước khiến giảm lưu lượng máu đến thận, có thể làm suy giảm chức năng của thận. Do đó uống đủ nước là một trong những thói quen tốt cho thận nói riêng và cơ thể nói chung luôn được bác sĩ khuyến khích thực hiện.
- Đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu thận bị suy giảm chức năng để có phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời.
- Giảm căng thẳng: Căng thẳng và lo lắng là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của thận.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập luyện các môn thể thao thường xuyên có thể giúp giảm căng thẳng, kiểm soát lượng đường huyết và huyết áp cao, đồng thời duy trì cân nặng hợp lý. Bạn nên chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe của mình như bơi lội, đi bộ và chạy...
Tóm lại: Suy thận mạn tiến triển thầm lặng, không có dấu hiệu báo trước, nên những xét nghiệm cơ bản, tổng quát định kỳ là cần thiết để tầm soát và có hướng xử trí kịp thời. Nhận biết hiểu rõ những giai đoạn và triệu chứng bệnh suy thận sẽ giúp người bệnh ổn định tâm lý để an tâm điều trị, mang lại kết quả khả quan hơn. Dù ở giai đoạn suy thận mạn nào thì người bệnh cũng cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, điều này sẽ làm chậm tiến trình của bệnh, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.