1. Suy thai là gì?
Hiện nay, suy thai còn được gọi là tình trạng bất ổn của thai nhi, gồm giảm thành phần oxy trong máu, giảm oxy trong tổ chức với các biểu hiện thay đổi ở nhịp tim được phát hiện bằng máy theo dõi tim thai như nhịp nhanh, nhịp chậm, nhịp giảm muộn, nhịp giảm biến đổi lặp lại hoặc tình trạng bất thường.
Suy thai chia thành 2 nhóm: Suy thai cấp tính và suy thai mạn tính đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ và bé có thể dẫn đến tử vong.
1.1 Suy thai cấp tính:
Thường xảy ra đột ngột trong quá trình chuyển dạ, có thể tử vong ngay lập tức, nhẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, thể chất của đứa bé trong tương lai nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Suy thai cấp chiếm tỉ lệ dưới 20% các cuộc sinh.
1.2 Suy thai mạn tính:
Xảy ra từ từ trong suốt quá trình thai kì, không có biểu hiện rõ rệt, khó phát hiện trên lâm sàng và nguy hiểm hơn là có thể chuyển thành suy thai cấp tính khi chuyển dạ có thể chết lưu trong bụng mẹ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tử cung của người mẹ và khả năng làm mẹ sau này
Nếu suy thai được chẩn đoán và xử trí kịp thời thì tỉ lệ thai nhi được cứu sống cao, vì vậy các bà mẹ cần có các hiểu biết cơ bản về suy thai để nhập viện và điều trị kịp thời tránh những đáng tiếc xảy ra.
2. Nguyên nhân gây suy thai
Nguyên nhân từ phía mẹ: Các nguyên nhân làm giảm lượng máu tuần hoàn ngoại vi của người mẹ đều dẫn đến làm lượng máu đến tử cung.
- Tư thế nằm của mẹ: nằm ngửa làm tử cung đè ép vào động mạch chủ gây giảm dòng máu của mẹ.
- Thiếu máu ở mẹ do bất kỳ nguyên nhân gì: chảy máu, thiếu máu mạn tính, huyết áp thấp.
- Mẹ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, béo phì, suy tim, nhiễm khuẩn, nhiễm virus.
- Cơn co tử cung: Trong mỗi cơn co tử cung, tuần hoàn tử cung – nhau bị gián đoạn trong 15-60 giây, lượng máu cung cấp sẽ bị giảm đi khoảng 50%. Vì vậy khi xuất hiện cơn co tử cung dẫn đến các động mạch bị chèn ép nên lượng máu đến hồ huyết giảm. Giai đoạn đầu thai nhi có thể bù trừ được . Nếu tần số, cường độ cơn co tăng, thời gian cơn co kéo dài sẽ làm tăng thời gian ngừng lưu thông máu giữa mẹ và con, dẫn đến suy thai.
Nguyên nhân từ phía thai nhi
- Thai non tháng.
- Thai già tháng: Thai quá ngày sinh thường có bánh nhau bị vôi hóa, quá trình cung cấp oxy bị gián đoạn khiến cho thai bị suy.
- Thai thiếu máu, nhiễm trùng, thai dị dạng, chậm phát triển,..
Nguyên nhân từ phía phần phụ của thai nhi
- Nhau tiền đạo, nhau bong non, suy nhau, bánh nhau bị vôi hóa,...
- Dây rốn bị sa hoặc thắt nút hay những bất thường về dây rốn đều là nguyên nhân cản trở lượng oxy được vận chuyển tới thai nhi.
- Ối vỡ sớm: Khi ối bị vỡ, làm giảm thể tích bảo vệ xung quanh thai nhi, trong quá trình chuyển dạ những cơn go tử cung có thể làm chèn ép đầu thai nhi hoặc dây rốn, gây ra tình trạng thiếu oxy.
- Sa dây rốn, dây rốn thắt nút, dây rốn quấn cổ hay những bất thường của dây rốn đều là nguyên nhân dẫn đến suy thai.
Các nguyên nhân khác
- Đẻ khó như: bất tương xứng giữa thai và khung chậu, ngôi thai bất thường hay một lý do nào đó dẫn đến chuyển dạ kéo dài
- Nguyên nhân do thuốc: Thuốc gây mê, giảm đau, tăng co. Trong đó đặc biệt lưu ý việc sử dụng thuốc tăng co trong chuyển dạ không đúng liều, không đủ chỉ định, không kiểm soát làm rối loạn cơn co tử cung dẫn đến suy thai.
3. Triệu chứng bệnh suy thai
Các dấu hiệu nhận biết suy thai:
3.1 Thay đổi màu sắc nước ối
- Bình thường nước ối trong, nước ối chuyển sang màu sắc khác có thể là dấu hiệu suy thai, theo dõi màu sắc nước ối giúp phát hiện sớm suy thai.
- Nước ối chuyển sang màu vàng sẫm trong khi mang thai thì có thể thai nhi đã bị suy thai mãn, mẹ cần được điều trị ngay.
- Nước ối chuyển sang màu xanh thì mẹ bầu đã có dấu hiệu suy thai. Trong trường hợp này, mẹ cần được theo dõi sát, và tùy tình trạng của tim thai, giai đoạn của chuyển dạ, bác sĩ sẽ có xử lý phù hợp cho mẹ và thai nhi.
- Trong nước ối có phân su thì có nguy cơ cao bị suy thai cấp trong quá trình chuyển dạ. Trường hợp này cũng cần được xử lý nhanh chóng, tránh tình trạng hít phân su khi thai nhi ra đời.
3.2 Thay đổi nhịp tim thai
Tim thai đập không đều do tình trạng thiếu oxy, tim thai đập nhanh (> 160 nhịp/ phút) trong giai đoạn đầu hay đập chậm( <120 nhịp/ phút) trong giai đoạn sau cảnh báo dấu hiệu suy thai. Dấu hiệu này được theo dõi qua monitoring sản khoa vì vậy cần được thực hiện ở các lần khám thai định kì để phát hiện suy thai sớm.
3.3 Thai nhi cử động hỗn loạn
Có khi đạp mạnh và nhiều, nhưng có khi lại đạp chậm và động tác ít dần đi. Nếu không thấy thai nhi cử động trong thời gian dài thì có khả năng thai nhi đã bị chết lưu. Có 1 cách có thể phát hiện sớm đó là đếm cử động thai. Mẹ có thể theo dõi cử động của thai nhi bằng cách nằm yên trên giường, đếm đủ thai nhi có 4 lần cử động trong 30 phút chứng tỏ thai nhi vẫn khỏe mạnh. Ngược lại nếu trong vòng 4 giờ mà thấy thai nhi có ít hơn 10 cử động thì người mẹ cần đi khám thai ngay lập tức để kiểm tra tình trạng của thai nhi. Mẹ thực hiện 3 lần/ ngày.
Các dấu hiệu này chỉ có giá trị gợi ý tuy nhiên là các dấu hiệu sớm nghi ngờ đến suy thai vì vậy khi có các dấu hiệu trên cần đến cơ sở y tế chuyên khoa đến khám và phát hiện kịp thời.
4. Phòng ngừa bệnh suy thai
- Trong suốt quá trình mang thai, các mẹ nên đi khám thai thường xuyên để biết được tình hình sức khỏe của bản thân cũng như theo dõi sự phát triển của thai nhi. Nếu có những phát hiện bất thường còn có phương pháp xử lý sớm.
- Ngoài ra, mẹ bầu cần phải ăn uống đầy đủ các chất, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để đảm bảo có sức khỏe tốt cũng như cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển. Hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, uống rượu bia trong thai kỳ vì chúng không hề tốt cho sức khỏe của cả mẹ và con.
- Nếu có những biểu hiện bất thường như ra máu, thai nhi có những cử động ít hoặc không cử động, có cơn co tử cung… mẹ bầu cần phải đi khám ngay để được xử lý kịp thời. Ngoài ra đảm bảo tâm lý thoải mái nhất khi mang bầu, nhất là tháng cuối thai kỳ vì sự lo lắng, căng thẳng của người mẹ sẽ khiến cho việc kéo dài quá trình chuyển dạ, ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
- Vào những tháng cuối của thai kỳ, các mẹ cũng nên nằm nghiêng sang trái để hạn chế việc tử cung đè lên các động mạch, cản trở nguồn máu đưa tới thai nhi.
- Khi khám thai phải tìm hiểu các yếu tố tiên lượng cuộc đẻ, phát hiện các nguy cơ nếu đẻ thường có thể nguy hiểm cho thai. Ví dụ thai suy dinh dưỡng nặng, thai già tháng, ngôi thai bất thường, thai to, đa thai, khung chậu hẹp…cần phải cân nhắc mổ lấy thai chủ động, nếu để sinh thường phải theo dõi thật tốt, cần thiết mổ cấp cứu lấy thai ngay.
- Theo dõi sát cuộc chuyển dạ, chú ý những biến đổi nhịp tim thai bất thường trên Monitoring, phát hiện sớm suy thai. Khi có biểu hiện của suy thai phải xử trí cho sản phụ nằm nghiêng trái, thở oxy, động viên sản phụ đỡ lo lắng, sử dụng giảm đau trong chuyển dạ bằng các kỹ thuật gây tê, dùng thuốc giảm co tử cung khi có cơn co mau manh…nhằm mục đích giảm, ngăn ngừa tình trạng suy thai cấp trong chuyển dạ.
5. Các phương pháp điều trị bệnh suy thai
Tùy vào mức độ suy thai, thời gian xảy ra cũng như xác định được nguyên nhân chính xác khiến thai yếu đi mà bác sĩ sẽ có hướng dẫn xử trí phù hợp để bảo vệ sự an toàn cho cả mẹ bầu và thai nhi.
- Đối với các trường hợp suy thai mạn tính, mẹ bầu cần khám thai thường xuyên để được theo dõi sát sao tình hình sức khỏe thai nhi. Trong thời gian này, mẹ cần nghỉ ngơi nhiều và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để thai kỳ ổn định. Nếu bị suy thai nặng, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ nhập viện để được theo dõi và chăm sóc tốt nhất.
- Khi thai trên 36 tuần hoặc đã đủ trưởng thành, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai sớm để tránh thai suy nặng hoặc suy thai chuyển biến cấp tính trong lúc chuyển dạ. Quá trình mổ lấy thai cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên môn giỏi, tay nghề cao để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng xảy ra.
- Đối với các trường hợp suy thai cấp tính, bác sĩ sẽ khuyến cáo mẹ bầu nghỉ ngơi nhiều, nằm nghiêng bên trái để tránh làm tử cung chèn ép vào động mạch chủ gây cản trở lưu lượng máu và oxy đến thai nhi. Có thể mẹ sẽ được thở oxy và truyền dịch.
- Trong những tình huống suy thai cấp tính nặng, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai sớm, không khuyến cáo cố gắng sinh ngả âm đạo bởi có thể đe dọa tính mạng trẻ sơ sinh. Tốt nhất, mẹ hãy khám thai đầy đủ và nghe theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Nhóm người này được khuyến cáo không nên ăn quả sấu dù rất nhiều công dụng | SKĐS