Một bệnh nhân nữ 42 tuổi vào khám bệnh với các biểu hiện như mệt mỏi, cảm giác như người hụt hơi, ăn uống kém, đau đầu mất ngủ thường xuyên. Khám tổng quát và các xét nghiệm không cho thấy một bệnh lý nào biểu hiện rõ rệt nhưng bệnh nhân có nói rằng cách đây một tháng bệnh nhân bị sốt virut kéo dài hơn một tuần và các biểu hiện như trên xuất hiện sau khi đã hết sốt... Đó là một trong những trường hợp điển hình của hội chứng suy nhược cơ thể sau nhiễm khuẩn.
Đi tìm căn nguyên
Hội chứng suy nhược sau nhiễm khuẩn (SNSNK - Post infectious fatigue syndrome) là một hội chứng biểu hiện sau khi bị nhiễm vi khuẩn hoặc virut với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Chưa có một thống kê đầy đủ về tần suất mắc bệnh sau nhiễm khuẩn do hội chứng này còn ít được chú ý đến cả về phía thầy thuốc và bệnh nhân nhưng kết quả một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc vào khoảng 1/1000dân/năm và đối tượng mắc chủ yếu là phụ nữ tuổi từ 25 - 45.
Chẩn đoán SNSNK thường không khó do các triệu chứng xuất hiện ngay sau nhiễm vi khuẩn hoặc virut. Tuy nhiên không phải tất cả vi khuẩn hoặc virut đều gây hội chứng suy nhược cơ thể sau nhiễm mà hay gặp là dengue xuất huyết H. Pylori, coxsakie virus, herpes - simplex virus.
Dấu hỏi lớn về cơ chế gây bệnh
Cơ chế gây hội chứng SNSNT cho đến thời điểm hiện nay vẫn còn là một dấu hỏi. Có giả thuyết cho rằng vai trò của acid lactic, được tích tụ khi cơ thể mệt mỏi, sẽ lên não và gây chứng suy nhược. Tuy nhiên, giả thiết này hiện nay đã không còn được thừa nhận khi người ta đã chứng minh rằng, acid lactic, thậm chí còn có tác dụng ngược lại là... chống suy nhược. Thời gian gần đây, một giả thuyết gợi ý vai trò gây hội chứng SNSNK với vai trò của các chất trung gian của quá trình viêm - các cytokine gồm cả interferon. Cơ sở cho giả thuyết này là nồng độ cao của cytokine và interferon được tìm thấy trong máu những bệnh nhân SNSNK và đặc biệt là ở bệnh nhân viêm gan virut được điều trị bằng interferon thường có biểu hiện mệt mỏi nhiều hơn. Yếu tố TGF-β (Transforming growth factor-alpha) cũng được cho là có liên quan mật thiết đến hội chứng SNSNK tái diễn nhiều lần. Mặc dù vậy, vai trò của các cytokine trong cơ chế bệnh sinh hội chứng SNSNT vẫn còn cần được chứng minh rõ ràng và có sức thuyết phục hơn.
Những triệu chứng thường gặp khi mắc hội chứng SNSNK
Các triệu chứng hay gặp như sốt nhẹ kéo dài; đau họng; sưng đau các hạch lympho; cảm giác kiệt sức không rõ lý do; đau cơ; mất hứng thú với mọi vấn đề; đau đầu chóng mặt; đau nhiều khớp mà không có sưng nề; các triệu chứng về thần kinh tâm thần như hay quên, khó tập trung, mất ngủ thường xuyên; chậm hồi phục sau các hoạt động thể lực; rối loạn giấc ngủ. Bệnh nhân cũng có thể bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa giống hội chứng ruột kích thích, không dung nạp được đồ uống có cồn, đau ngực, ho kéo dài, khô miệng, ăn uống kém, đau hoặc ù tai, nhịp tim không đều, đau các khớp, nôn, buồn nôn, ra mồ hôi đêm, trầm cảm hoặc lo lắng quá mức, dễ cáu gắt, tăng cảm và sụt cân không rõ nguyên nhân. Các triệu chứng nói trên thường xuất hiện đột ngột, kéo dài nhiều ngày hoặc có thể thuyên giảm kể cả khi được điều trị hoặc không.
Hội chứng SNSNK thường tồn tại ngay cả khi nghỉ ngơi, kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng khiến cho bệnh nhân suy sụp cả về thể chất và tinh thần. Bệnh nhân có mệt mỏi nhiều, không thể làm việc hoặc học tập kéo dài hoặc tái diễn liên tục trong thời gian 4-6 tháng. Việc chẩn đoán hội chứng này dựa vào các biểu hiện kể trên sau khi đã loại trừ các bệnh thực thể khác.
Khắc phục thế nào?
Nói chung, do cơ chế bệnh sinh chưa rõ nên chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho hội chứng SNSNK. Có thể điều trị triệu chứng nếu như bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thể chất và tinh thần như cho các thuốc giảm đau, an thần, tăng cường dinh dưỡng, tâm lý liệu pháp. Cần dự phòng để giảm tối thiểu nhiễm các vi khuẩn và virut có thể gây hội chứng này như đã trình bày ở trên. Thời gian gần đây, một số nghiên cứu cho thấy hội chứng SNSNK có thể có nguồn gốc do thiếu hụt miễn dịch hay cơ thể không có khả năng sản xuất đủ kháng thể để tiêu diệt tác nhân gây bệnh (vi khuẩn hoặc virut) nên việc áp dụng liệu pháp tiêm gamma globulin dường như có tác dụng tích cực làm giảm tỷ lệ SNSNK ở một số loại nhiễm trùng như nhiễm EBV (Epstein-Barr virus)... Một số các trường hợp bệnh nhân bị SNSNK các triệu chứng tốt lên theo thời gian mà không cần một sự can thiệp đặc biệt nào.
TS. BS. Vũ Đức Định