Một thông điệp được các chuyên gia nhấn mạnh rất nhiều lần trong buổi tọa đàm chiều 19/3 về tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức là vắc xin miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng không thua kém về chất lượng so với các vắc xin dịch vụ.
Đã có 1.500 cháu tiêm chủng mở rộng vắc xin Quinvaxem
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, việc cha mẹ cố tâm lý cố chờ đợi vắc xin dịch vụ mà không tiêm vắc xin miễn phí có nhiều lý do. Có nhiều ý kiến cho rằng vắc xin tiêm chủng mở rộng không tốt bằng loại tiêm dịch vụ, làm công thì không tốt bằng dịch vụ, miễn phí là không tốt... “Tôi cho chúng ta cần thay đổi quan điểm này. Từ trước đến nay, chúng ta đạt được thành tựu về tiêm chủng là do tiêm chủng mở rộng”, ông Phu nói.
Cũng theo ông Phu, trong một tuần vừa qua, có hơn 1.500 trường hợp đã được tiêm vắc xin Quinvaxem tại các điểm tiêm chủng dịch vụ trên toàn quốc. Trong đó, đáng lưu ý, tại điểm tiêm chủng dịch vụ ở Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh) có số lượng trẻ được tiêm đông nhất, 1.300 trường hợp.
Cũng theo ông Phu, việc vừa qua thiếu có một số vắc xin, mà đặc biệt là vắc xin Hexa infanrix 6 trong 1 và vắc xin pentaxim 5 trong 1, chỉ tập trung ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. “Qua thống kê, chúng tôi thấy rằng, số lượng các trẻ em tham gia việc tiêm chủng 2 loại vắc xin này dưới hình thức tiêm chủng dịch vụ không lớn. Hàng năm chỉ chiếm khoảng 8-10% số lượng trẻ em. Còn lại phần lớn trẻ em Việt Nam vẫn đang tham gia thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, mỗi năm tiêm khoảng trên 1,5 triệu trẻ”- ông Phu đưa ra thông tin
Tâm lý "sính" vắc xin dịch vụ của cha mẹ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ
(Ảnh mang tính chất minh họa)
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng thừa nhận, việc thiếu cũng có ảnh hưởng lớn, thứ nhất là các bà mẹ có tâm lý chờ đợi để có vắc xin dịch vụ để tiêm. Thứ hai, sự thiếu này nếu tuyên truyền không tốt, tạo nên cơn sốt ảo, từ đó khiến các bà mẹ khác thấy rằng vắc xin dịch vụ này tốt và lại tiếp tục chờ, dẫn tới tình trạng một số điểm tiêm dịch vụ xuất hiện hiện tượng xếp hàng, chờ đợi, rồi các thông tin cũng có thông tin tích cực và thông tin thiếu tích cực, chưa chính xác gây nên sự hiểu lầm trong việc tiêm phòng cũng như sử dụng các loại vắc xin.
Để làm “hạ nhiệt” tình trạng thiếu hai loại vắc xin trên và đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng, cách đây hơn 1 tuần, Bộ Y tế đã yêu cầu các điểm tiêm dịch vụ thuộc Nhà nước phải tiêm vắc xin thay thế Quinvaxem 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng có chất lượng và tác dụng tương ứng vắc xin dịch vụ đã hết.
Lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng khẳng định, tất cả các điểm tiêm chủng dù là dịch vụ hay mở rộng đều phải đảm bảo điều kiện của nhà nước. Tất cả các loại vắc xin đều có phản ứng sau tiêm nhất định, miễn là khi lưu hành tỷ lệ này nằm trong giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo ông, sự khác biệt là ở chỗ tỷ lệ gặp phản ứng phụ nhẹ (sốt dưới 38,5 độ C, sưng đau tại chỗ tiêm) của loại dịch vụ ít hơn tiêm chủng mở rộng. Lý do là vì vắc xin dịch vụ có sử dụng thành phần ho gà vô bào- tinh chất hơn, trong khi Quinvaxem là toàn tế bào (trước kia là vắc xin DPT). Tổ chức Y tế Thế giới kết luận phản ứng nặng của 2 loại này là giống nhau chỉ khác nhau ở chỗ tỷ lệ gặp phản ứng phụ nhẹ. Chính điều này gây nên tâm lý lo ngại của các bậc cha mẹ.
Tuy nhiên nếu xét về hiệu quả, đáp ứng miễn dịch thì vắc xin tiêm chủng mở rộng với thành phần ho gà toàn tế bào tốt hơn. Hiện nay các nước sử dụng thành phần ho gà vô bào phải khuyến cáo tiêm nhắc lại.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng lý giải thêm: “Suy nghĩ cứ vắc xin đắt tiền tốt hơn là suy nghĩ sai. Vắc xin dịch vụ chỉ trả tiền cho một mũi thì giá đắt hơn, trong khi vắc xin tiêm chủng mở rộng cũng không phải tự nhiên miễn phí, mà là Nhà nước trả tiền mua, tổ chức quốc hỗ trợ một phần, mua số lượng nhiều hơn nên rẻ hơn. Thế giới thậm chí khuyến cáo các nước đang dùng loại toàn tế bào không nên chuyển sang vô bào vì tác dụng phòng bệnh tốt hơn”.
Không có cơ chế độc quyền trong vấn đề vắc xin dịch vụ
Trước câu hỏi của người dân về nguyên nhân thiếu vắc xin có phải do cơ chế, chính sách, mà trong đó cơ chế độc quyền về phân phối dẫn đến sự khan hiếm vắc xin không? Ông Trần Đắc Phu đưa ra thông tin, theo luật dược, vắc xin là thuốc đặc biệt bởi nó yêu cầu sự kiểm định ngặt nghèo hơn để làm sao vắc xin đưa ra tiêm cho trẻ em là phải rất an toàn. Còn lại toàn bộ những vấn đề liên quan tới đăng ký, liên quan tới nhập khẩu vắc xin, trách nhiệm này Bộ Y tế đã giao cho Cục quản lý dược.
“Tôi cho rằng rất minh bạch và không có cơ chế gì độc quyền trong vấn đề này. Bất kỳ hồ sơ của doanh nghiệp nào đề nghị cấp đăng ký đều phải được xem xét và nó có tính chất bình đẳng như nhau, dù đó là doanh nghiệp nước ngoài...”- ông Phu nói. Theo ông Phu, hiện nay trong 20 loại vắc xin dịch vụ, chỉ thiếu 2 loại 5 trong 1 và 6 trong 1 thôi, còn 18 loại khác đều cơ bản đáp ứng đầy đủ. Nguyên nhân thiếu 2 loại này vắc xin là do thời gian vừa qua nhà sản xuất không đáp ứng đủ, họ thay công nghệ, chuyển địa điểm… cũng có những lô vắc xin hỏng mà chúng ta biết rằng vắc xin là loại thuốc đặc biệt mà để có cung cấp trở lại phải mất thời gian 6 tháng – 1 năm. Mặt khác, vắc xin 6 trong 1 và 5 trong 1 trong dịch vụ có thị phần rất ít và không phải sự đặt hàng có tính chất quy mô từ Chính phủ như vắc xin tiêm chủng mở rộng mà nó lại theo cơ cấu điều tiết cơ cấu thị trường, cung cầu nên không được sự quan tâm của nhà sản xuất, vì thế đã dẫn tới có hiện tượng thiếu hụt như vậy.
Theo ông Đỗ Tuấn Đạt – Giám đốc công ty vắc xin và sinh phẩm số 1- Bộ Y tế, nguyên nhân thiếu chính là do nhà sản xuất không đáp ứng đủ. Số lượng vắc xin dịch vụ chiếm ít, không đặt hàng có tính chất quy mô như vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà điều tiết theo cơ chế thị trường, không được sự quan tâm của nhà sản xuất.
Từ trước đến nay trẻ em Việt Nam vẫn được tiêm vắc xin có thành phần ho toàn tế bào, chỉ gần đây mới có vô bào. Phản ứng nhẹ sau tiêm như sốt dưới 38,5; trẻ quấy khóc... là phản ứng thông thường của cơ thể khi đưa 1 kháng nguyên vào, tự hết sau 24 giờ.
“Tất cả các vắc xin đều an toàn, hiệu quả, lựa chọn như thế nào là quyền của các bà mẹ. Chúng tôi chỉ khuyến cáo, cha mẹ không nên chờ đợi mà nên tiêm cho con đủ mũi, đúng lịch. Vắc xin Quinvaxem cũng có mặt tốt của nó, đừng vì sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm mà coi nhẹ nó”, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Thông tin từ cuộc tọa đàm cũng cho biết, Bộ Y tế đang đề xuất với Chính phủ sau này không chỉ xã phường tiêm chủng mở rộng, không phân công hay tư mà tất cả các điểm đủ điều kiện đều cho tiêm. Mong muốn của ngành là người dân được tiêm đầy đủ, đúng lịch.
“Không trì hoãn, không chậm chễ, hãy đưa trẻ đi tiêm đúng lịch”.
Đây là thông điệp mà ông Kohei Toda, chuyên gia về tiêm chủng mở rộng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Việt Nam đưa ra tại buổi tọa đàm.
Theo ông Kohei Toda, ở Việt Nam, tôi cảm nhận được rằng, ý thức của bậc phụ huynh về tiêm chủng cao hơn ở các nước khác. Điều này thể hiện ở chỗ, các bậc cha mẹ Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của vaccin, họ biết và nhìn thấy những bệnh có thể phòng được nhờ vắc xin. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là mặc dù họ ý thức được tầm quan trọng của việc này nhưng lại đưa con đi tiêm phòng muộn, nhất là tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Chẳng hạn như đến thời điểm trẻ cần được tiêm vắc xin thì cha meh lại bận hoặc quên hoặc trẻ bị ốm hoặc họ đưa con đến điểm tiêm chủng dịch vụ nhưng lại hết vắc xin và phải chờ đợi. Điều này đã gây ra hậu quả mà cụ thể ở đây là dịch sởi đầu năm ngoái. Dịch bệnh này thật không may lại thường xảy ra ở các cháu từ 9-24 tháng tuổi. Vụ dịch hiện đang xảy ra là ho gà cũng có nguyên nhân chính xác là do tiêm và sử dụng vắc xin chậm ở những cháu đáng lẽ phải tiêm ở lứa tuổi 2-3-4 tuổi nhưng không được tiêm đúng lịch. Các cháu sử dụng vắc xin muộn thì bệnh sẽ quay trở lại.
Vì vậy, thông điệp của tôi mong muốn gửi tới các bạn là: hãy sử dụng vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng đúng lịch và hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để tiêm phòng, đừng chậm chễ. Cụ thể, thông điệp ngắn gọn hơn là: “Không trì hoãn, không chậm chễ, hãy đưa trẻ đi tiêm đúng lịch”.
Để phòng chống bệnh cho trẻ nhỏ, nhất là vào thời điểm mùa Đông Xuân - mùa mà nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên có tâm lý chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ mà nên tiêm các vắc xin tương ứng trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng chống dịch bệnh.
Thái Bình