Suy ngẫm về y đức của người thầy thuốc

30-10-2011 15:10 | Tin nóng y tế

Hội thi tuyên truyền về thực hiện Quy tắc ứng xử của ngành y tế Bình Ðịnh đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc, suy ngẫm về văn hóa ứng xử, đạo đức, nhân cách của người thầy thuốc và tác động của xã hội đối với người thầy thuốc.

Hội thi tuyên truyền về thực hiện Quy tắc ứng xử của ngành y tế Bình Ðịnh đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc, suy ngẫm về văn hóa ứng xử, đạo đức, nhân cách của người thầy thuốc và tác động của xã hội đối với người thầy thuốc.

Thầy thuốc “soi” mình

Lần đầu tiên, ngành y tế tổ chức Hội thi Tuyên truyền về thực hiện quy tắc ứng xử trong ngành với sự tham gia của 21 đơn vị khám, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế. Bỏ qua “chuyện thắng thua” ở hội thi, đây là dịp để điều dưỡng, bác sĩ và cả cán bộ lãnh đạo ngành y tế tự nhìn lại mình.

Trong ba phần của hội thi: chào hỏi, kiến thức và tiểu phẩm thì phần thi tiểu phẩm về những điều hay và chưa hay của ngành y tế được mọi người quan tâm, cổ vũ nhiều nhất. Nhiều tình huống ứng xử giữa người bệnh và cán bộ y tế mà hầu hết kịch bản dự thi được xây dựng dựa trên thực tế phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh cho thấy ứng xử của người thầy thuốc đâu đó vẫn để bệnh nhân phàn nàn.

 Những tình huống ứng xử giữa thầy thuốc với bệnh nhân được các diễn viên không chuyên biểu diễn gợi cho người xem nhiều suy ngẫm.

Đó là câu chuyện nhân viên y tế “phớt lờ”, không hướng dẫn, giải thích cụ thể khi người bệnh có yêu cầu; cáu gắt, thậm chí có thái độ hách dịch khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; tình trạng bác sĩ chẩn bệnh bằng “tai”, chữa bệnh bằng “chiếc phong bì”… được các đội thi tái hiện trên sân khấu. Bên cạnh đó, tâm lý nhờ vả, xin-cho của chính người nhà bệnh nhân là một trong những căn nguyên gây ra tình trạng tiêu cực trong bệnh viện.

Cốt truyện hài hước, dí dỏm đã được các đội biểu diễn sinh động với nội dung phê phán cách ứng xử cửa quyền, lợi dụng chức trách của thầy thuốc với bệnh nhân. Bác sĩ Lê Thái Bình - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Nhơn, rất tâm đắc với hội thi bởi đây là cách giúp các nhân viên y tế tự xem xét, tự “soi” lại cách ứng xử của mình. Dù các quy định về quy tắc ứng xử đã được ban hành nhưng vẫn còn một số cá nhân có thái độ làm bệnh nhân không hài lòng hay những chuyện tiêu cực đau lòng khác mà chính bản thân người trong nghề đã từng gặp phải.

Không dừng ở một hội thi

Hội thi tuyên truyền về thực hiện Quy tắc ứng xử trong ngành y tế lần đầu tiên tổ chức là dịp để các y, bác sĩ ôn lại các quy tắc của ngành. Bác sĩ Hồ Việt Mỹ - Phó Giám đốc Sở Y tế đúc rút, mỗi tình huống dự thi là một lần trau dồi kỹ năng ứng xử trước người bệnh. Đây là dịp rất tốt để cán bộ, nhân viên y tế trong toàn ngành thêm một lần được rèn y đức, luyện tay nghề.

Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế được Bộ Y tế ban hành từ tháng 8/2008 gồm 4 điều: Quy tắc ứng xử chung; quy tắc ứng xử với người bệnh và gia đình người bệnh; những quy tắc ứng xử với đồng nghiệp; quy tắc ứng xử của lãnh đạo đơn vị… là cơ sở để cán bộ y tế thực hành y đức, mang lại niềm tin cho bệnh nhân. Hội thi sẽ thành công hơn nếu Ban tổ chức thiết kế một số câu hỏi phù hợp hơn cho vị trí công tác thực tế; các thí sinh nghiên cứu sâu hơn để trả lời lưu loát, đúng trọng tâm.

Vẫn biết rằng tình trạng quá tải, khối lượng công việc nhiều nên đôi lúc người thầy thuốc có ứng xử không tốt. Và trong cơ chế hiện nay, cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế cần chia sẻ, cộng tác tốt với nhau mới góp phần nâng cao y đức. Dù chưa thể phản ánh hết những góc khuất trong văn hóa ứng xử giữa thầy thuốc với bệnh nhân trong thực tế nhưng ít ra, những tiếng nói trong hội thi cũng góp được chút “gió” để ngành y tế từng bước xây dựng hình ảnh người thầy thuốc đẹp, thân thiện hơn với người bệnh. 

Còn nhớ câu nói của một vị giáo sư, tiến sĩ khoa học, đại ý mỗi cán bộ y tế cần phải lên bàn mổ một lần để hiểu hết tâm trạng của bệnh nhân, thấu hiểu cho bệnh nhân cũng như người nhà của họ. Phải làm sao để khi bệnh nhân tìm đến, các bác sĩ chỉ cần bắt mạch, đặt ống nghe là đã khiến người bệnh yên tâm, tin tưởng. Vì thế, điều dư luận mong muốn là những tình huống ứng xử đã mổ xẻ trong hội thi sẽ được đúc rút thành các bài học kinh nghiệm và chấn chỉnh bằng hành động cụ thể, chứ không phải chỉ dừng ở những lời hô hào… 

  Bài và ảnh:Thu Hiền


Ý kiến của bạn