Suy giáp: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

15-01-2023 07:12 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Cách tốt nhất để phòng ngừa suy giáp là kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người thuộc đối tượng có nguy cơ mắc suy giáp cao.

Nguyên nhân suy giáp

Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone. Các nguyên nhân và yếu tố có thể dẫn đến suy giáp bao gồm:

Teo tuyến giáp

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh suy giáp. Khi tuyến giáp teo lại và giảm kích thước thường dẫn đến việc tuyến giáp không sản xuất được các hormone cần thiết cho quá trình trao đổi chất và các chức năng của cơ thể.

Viêm tuyến giáp tự miễn Hashimoto

Đây là cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây suy giáp. Tự miễn gọi là bệnh Hashimoto. Các bệnh tự miễn dịch xảy ra khi hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể tấn công các mô khỏe mạnh. Đôi khi quá trình đó liên quan đến tuyến giáp và ảnh hưởng đến khả năng tạo ra hormone.

Nguyên nhân thứ phát sau điều trị cường giáp

Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp có thể làm giảm khả năng sản xuất hormone tuyến giáp của tuyến hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn.

Suy giáp bẩm sinh

Một số trẻ em được sinh ra với tuyến giáp không phát triển đầy đủ hoặc không hoạt động bình thường. Nếu không điều trị, suy giáp bẩm sinh có thể dẫn đến thiểu năng trí tuệ và chậm phát triển.

Suy giáp: Nguyên nhân và cách phòng ngừa - Ảnh 1.

Nếu không được điều trị, suy giáp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Những nguyên nhân ít gặp hơn là việc thiếu i ốt trong chế độ ăn hằng ngày. Hoặc do tình trạng suy giáp bẩm sinh hay thứ phát sau khi bị bệnh ở tuyến yên hoặc vùng dưới đồi.

Ngoài ra, còn có một số loại thuốc có thể dẫn đến suy giáp như lithium. Loại thuốc được sử dụng để điều trị một số rối loạn tâm thần. Việc bức xạ được sử dụng để điều trị ung thư đầu và cổ có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp và dẫn đến suy giáp.

Một số trường hợp suy giáp cũng có yếu tố do di truyền.

Đối tượng có nguy cơ mắc suy giáp cao

Suy giáp có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính và màu da. Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Phụ nữ trên 60 tuổi
  • Phụ nữ sau mãn kinh
  • Mắc bệnh tự miễn dịch (bệnh tiểu đường loại 1 hoặc bệnh celiac)
  • Từng phẫu thuật tuyến giáp
  • Điều trị bằng bức xạ phần cổ hoặc ngực trên
  • Có người thân trong gia đình từng mắc bệnh tuyến giáp
  • Từng mang thai hoặc sinh con trong vòng 6 tháng
Suy giáp: Nguyên nhân và cách phòng ngừa - Ảnh 2.

Người từng mang thai hoặc sinh con trong vòng 6 tháng thuộc nhóm nguy cơ cao có khả năng mắc bệnh suy giáp.

Phòng ngừa suy giáp

Biểu hiện của suy giáp thường không rõ ràng và việc phòng ngừa suy tuyến giáp còn gặp nhiều hạn chế. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tuyến giáp là kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Nếu phát hiện thấy những bất thường ở cổ, hoặc có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe nên gặp bác sĩ ngay, nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Ngoài ra, còn có thể áp dụng một số cách để giảm nguy cơ mắc suy giáp như:

- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trước khi có thai cần được làm xét nghiệm tầm soát sớm. Trong 3 tháng đầu thai kỳ khi thai nhi chưa hình thành tuyến giáp thì cần đến lượng hormon tuyến giáp lớn cho sự hình thành và phát triển hệ thần kinh. Nếu lúc này mà thiếu hormon do mẹ bị suy giáp, trẻ sinh ra dễ bị kém phát triển trí tuệ.

Suy giáp: Nguyên nhân và cách phòng ngừa - Ảnh 3.

Nếu bà mẹ mắc bệnh suy giáp khi mang thai, trẻ em sinh ra cần được xét nghiệm lấy máu gót chân ngay để kiểm tra bệnh lý tuyến giáp.

- Trẻ là con của sản phụ bị suy giáp cần được xét nghiệm lấy máu gót chân ngay những ngày đầu sau sinh. Mục đích là để kiểm tra bệnh lý tuyến giáp và điều trị sớm nếu mắc bệnh.

- Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh về tuyến giáp. Cơ thể không tự tổng hợp được iốt mà phải tăng cường qua đường ăn uống. Một trong những nguồn cung cấp iốt dồi dào là thực vật từ biển: tảo bẹ, rong biển, sữa ngũ cốc và trứng…

- Nên bổ sung trái cây và rau củ tươi; các loại gia vị như hạt tiêu, gừng ớt và quế… Bổ sung axit béo omega 3 bằng cách ăn dầu cá, cá mòi, cá hồi, hạt lanh, thịt bò, cá bơn, đậu nành và tôm… Các thực phẩm này giúp cải thiện quá trình trao đổi chất, giảm các vấn đề về tuyến giáp trong cơ thể.

- Việc phát hiện và có biện pháp chữa trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn.

Xem thêm video được quan tâm:

6 Loại Thực Phẩm Bạn Nên Ăn Để Có Hàm Răng Khỏe Mạnh | SKĐS


ThS.BS Hoàng Vũ
Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn