Suy giãn tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

25-03-2024 09:58 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Suy giãn tĩnh mạch không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh giãn tĩnh mạch tiến triển nặng hơn có thể gây ra các vết nhiễm trùng.

1. Nguyên nhân suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh mạn tính do tăng áp lực dòng máu trong tĩnh mạch. Bệnh thường gây phù chi dưới, thay đổi sắc tố da.

Thông thường, động mạch đóng vai trò đưa máu từ tim đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Còn tĩnh mạch đưa máu các cơ quan về tim. Tĩnh mạch có suy van một chiều, chỉ đưa máu từ tim đi các cơ quan, không đi chiều ngược lại. Đặc biệt ở chi dưới, có rất nhiều van một chiều. Khi van tĩnh mạch chi dưới suy, máu không về tim được và gây trào ngược trở lại. Từ đó dẫn tới hiện tượng phù chi dưới.

Suy giãn tĩnh mạch không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Suy giãn tĩnh mạch khiến bệnh nhân cảm thấy tê bì, chuột rút chân, mỏi chân vào buổi chiều. Từ đó dẫn tới giảm chất lượng cuộc sống và giảm năng suất làm việc. Hơn nữa, sự thay đổi về sắc tố da cũng khiến bệnh nhân cảm thấy tự ti, ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi chân xuất hiện các búi giãn mao mạch và tĩnh mạch lớn.

Nếu không điều trị kịp thời, khi bệnh giãn tĩnh mạch tiến triển nặng hơn có thể gây ra các vết nhiễm trùng. Bệnh nhân có thể bị lở loét, thậm chí có nguy cơ hoại tử, điều trị khó dứt điểm.

Suy giãn tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Bác sĩ tiến hành can thiệp cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch.

Các đối tượng nguy cơ cao bị suy tĩnh mạch bao gồm:

  • Những người làm việc trong môi trường đứng lâu, ngồi lâu, ngồi nhiều như nhân viên văn phòng, giáo viên, cảnh sát giao thông…
  • Những người có cơ địa thừa cân, béo phì.
  • Những người làm việc trong môi trường nhiệt độ cao.
  • Những người từ 65 tuổi trở lên.
  • Những người có yếu tố gia đình tiền sử mắc suy giãn tĩnh mạch.
  • Phụ nữ mang thai hoặc có thói quen đeo giày cao gót quá lâu.

2. Dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch

Bệnh suy giãn tĩnh mạch thường tiến triển chậm, ít biểu hiện. Triệu chứng đầu tiên của bệnh là: tê bì chuột rút, mỏi các bắp chân, phù nhẹ về chiều, giãn các tĩnh mạch dưới da. Tiếp đến người bệnh sẽ có biểu hiện giãn tĩnh mạch dưới da, sau đó là biến đổi sắc tố da trường hợp nặng có thể hoại tử có loét.

Suy giãn tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

Suy giãn tĩnh mạch được phân loại theo CEAP làm 6 giai đoạn từ C0- C6, theo từng giai đoạn bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau.

  • Giai đoạn C0 bệnh chưa có biểu hiện bệnh lý tĩnh mạch sờ được hay quan sát bằng mắt được.
  • Giai đoạn C1 xuất hiện giãn tĩnh mạch mạng nhện hay dạng lưới <3mm.
  • Giai đoạn C2 xuất hiện giãn tĩnh mạch dưới da > 3mm.
  • Giai đoạn C3 xuất hiện hiện tượng phù.
  • Giai đoạn C4 bắt đầu xuất hiện biến đổi cấu trúc da và mô dưới da, biến đổi sắc tố da.
  • Giai đoạn C5 có thể xuất hiện loét thể lành.
  • Giai đoạn C6 xuất hiện vết loét không lành.

3. Suy giãn tĩnh mạch có lây không?

Suy giãn tĩnh mạch không phải là bệnh lây nhiễm.

Suy giãn tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Với các trường hợp bệnh từ C2 sẽ có chỉ định can thiệp nếu đường kính trên 3mm.

4. Phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch

Để phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch nên thực hiện những điều sau:

  • Không đi đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu.
  • Khi nằm nghỉ, ngủ có thể kê chân cao bằng một chiếc gối mềm.
  • Hàng ngày nên tăng cường tập luyện thể dục thể thao, nên tập đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày.
  • Phụ nữ cần hạn chế đi giày cao gót hoặc hạn chế mặc quần bó sát người và hạn chế sử dụng thuốc tránh thai dài ngày (nên thay đổi biện pháp tránh thai cho phù hợp do bác sĩ chuyên khoa tư vấn).
  • Bổ sung nhiều chất xơ, vitamin vào thực đơn hàng ngày và uống nhiều nước.

5. Cách điều trị suy giãn tĩnh mạch

Tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh nhân các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Trong đó có phương pháp điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch, nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch.

Suy giãn tĩnh mạch được chỉ định điều trị nội khoa tất cả các giai đoạn từ C0 trở đi bằng cách dùng thuốc tăng trương lực tĩnh mạch, đeo tất áp lực đồng thời thay đổi một lối sống:

  • Giảm cân.
  • Hạn chế đứng lâu.
  • Ngồi lâu.
  • Không được ngâm chân nước nóng.
  • Duy trì tập luyện một số môn như đi bộ hoặc chạy bộ mỗi ngày ít nhất 30 phút hoặc tập nhón chân.
  • Với phụ nữ không đi giày cao gót.
  • Với các trường hợp bệnh từ C2 sẽ có chỉ định can thiệp nếu đường kính trên 3mm.
Suy giãn tĩnh mạch chân có thể phải ngồi xe lăn nếu điều trị không đúng cáchSuy giãn tĩnh mạch chân có thể phải ngồi xe lăn nếu điều trị không đúng cách

SKĐS - Ông Tân 64 tuổi, ở Phú Thọ bị suy tĩnh mạch 2 chân dẫn đến viêm loét, hoại tử, có nguy cơ phải cắt bỏ.



ThS.BS Nguyễn Thu Huyền
Khoa Nội tim mạch - Bệnh viện 19-8
Ý kiến của bạn