Suy giãn tĩnh mạch chân - âm thầm nhưng đau đớn

03-03-2020 09:28 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý rất phổ biến, nhưng đa số người bệnh không biết mình bị bệnh vì triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với những triệu chứng của viêm khớp, đau khớp chân, đau thần kinh - cơ.

Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao

Suy tĩnh mạch nông chi dưới là tình trạng tĩnh mạch giãn to, dài ra, chạy quanh co, được thấy rõ ngay dưới da; có sự hiện diện của dòng máu trào ngược trong lòng tĩnh mạch. Ngoài vấn đề về mặt thẩm mỹ, bệnh còn gây ra cảm giác đau nhức, phù chi dưới, viêm loét...

Trên thế giới tỷ lệ nam mắc bệnh này là 1%, trong khi đó ở nữ là 4,5%. Tần suất mắc bệnh ở tuổi lao động là 35%, ở tuổi nghỉ hưu là 50%.Theo nghiên cứu, những phụ nữ làm việc văn phòng là những người dễ mắc bệnh này hơn cả. Nguy cơ mắc bệnh lớn nữa thuộc về phụ nữ mang thai, tỷ lệ phụ nữ mang thai bị phù chân là 50%, còn tỷ lệ bị giãn tĩnh mạch chân là 20 - 30%.

Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó di truyền có vai trò lớn trong những nguyên nhân mắc giãn tĩnh mạch chân. Theo thống kê có 80% bệnh nhân giãn tĩnh mạch chân mạn tính có cha hoặc mẹ mắc bệnh. Giới tính cũng cho thấy nguy cơ bệnh cao hơn. Thường nữ mắc bệnh nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt, do khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp.

Tăng trọng quá mức cũng là một nguyên nhân chủ yếu do tác động lên đôi chân khiến máu bị dồn về phía chân và trào ngược do gia tăng áp lực từ ổ bụng.

Thuốc ngừa thai cũng là một yếu tố nguy cơ. Phẫu thuật có thể gây ra biến chứng huyết khối tĩnh mạch và viêm tĩnh mạch nhất là những phẫu thuật trong sản khoa và niệu khoa, các thủ thuật khác như bó bột, bất động lâu trong gãy xương... Những người ăn theo chế độ nhiều chất bột, ít chất xơ hay bị táo bón cũng rất dễ bị giãn tĩnh mạch.

Dấu hiệu nhận biết

Ở giai đoạn sớm, người bệnh thường bị đau chân, nặng chân, nhức mỏi chân khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều. Ban đêm, thường bị chuột rút (vọp bẻ), cảm giác tê chân, châm chích như có kiến bò ở vùng cẳng chân...

Ở giai đoạn tiến triển, các triệu chứng giai đoạn sớm nặng dần lên, phù chân sẽ xảy ra khi đứng lâu, ngồi nhiều liên tục hoặc buổi chiều sau một ngày làm việc. Thường thấy phù ở vùng mắt cá chân, bàn chân. Có khi phù kín đáo hơn, chỉ cảm thấy khi mang giày dép chật hơn so với bình thường. Vùng cẳng chân xuất hiện chàm da, thay đổi màu sắc da; các tĩnh mạch nông dưới da giãn to ngoằn ngoèo. Giai đoạn sớm chỉ thấy tĩnh mạch nổi li ti nhất là vùng cổ chân và bàn chân.

Ở giai đoạn cuối có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị. Có thể xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch, trôi về tim và gây tắc mạch máu phổi, một biến chứng rất nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Biến chứng dễ gặp

Nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến các tình trạng như loét chân, nhiễm trùng hoặc có những trường hợp nhiễm trùng nặng phải cắt bỏ chi. Quá tải hệ thống sâu gây suy tĩnh mạch sâu, như viêm tắc tĩnh mạch nông: huyết khối hình thành ở tĩnh mạch do tình trạng ứ trệ. Xuất huyết do vỡ tĩnh mạch thường là do chấn thương. Những thay đổi tại da, như xơ mỡ da, teo da trắng (một thay đổi điển hình ở bệnh nhân suy tĩnh mạch), chàm, loét chân nhiễm trùng rất khó điều trị.

Làm gì để phòng ngừa, ngăn chặn?

Cần tạo thói quen duy trì lối sống lành mạnh như tập thể dục đều đặn, chế độ ăn uống hợp lý,... Với những công việc có tính đặc thù phải ngồi lâu, đứng nhiều,... khi đã bị suy giãn tĩnh mạch rồi có thể thay đổi công việc tránh việc đứng lâu khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

Tăng cường vận động, thể thao bơi lội là phương pháp tốt nhất cho tĩnh mạch. Khi đi trên tàu xe, máy bay trong thời gian dài phải tạo tư thế ngồi thoải mái, thỉnh thoảng nên đi lại cho khí huyết lưu thông. Vì vậy, khoảng 1-2 tiếng đồng hồ, nên đứng dậy và đi loanh quanh, co duỗi cơ chân. Không ngâm chân nước nóng vì khi nóng làm giãn mạch máu ngày nặng hơn. Uống đầy đủ nước, duy trì trọng lượng hợp lý, chế độ ăn uống nhiều chất xơ.

Nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để ngăn ngừa và khám bác sĩ chuyên khoa. Bệnh suy giãn tĩnh mạch này sẽ giãn nở khi gặp nhiệt độ nóng, vì thế nên hạn chế ngâm chân ở nước nóng. Khi tắm nước nóng dưới vòi sen thì hạn chế đứng. Nên ngồi hoặc tắm trong bồn.


BS. Dương Văn Mười
Ý kiến của bạn