Theo thống kê mới nhất có 44,1% bệnh nhân bị SGTM, 92,5% không được chẩn đoán, 91,8% không được điều trị, 8,2% bệnh nhân được can thiệp điều trị bệnh này.
Nguyên nhân gây bệnh SGTM
Có thể do yếu tố di truyền; Nguyên nhân chính SGTM ở chân là bẩm sinh bất thường ở thành mạch. Thường là do khiếm khuyết của thành tĩnh mạch, thiểu sản van tĩnh mạch; Thói quen tĩnh tại, ít vận động, ngồi yên một chỗ hay đứng quá lâu gây áp lực lên tĩnh mạch chân; Những đối tượng thừa cân, béo phì, phụ nữ có thai, lạm dụng thuốc tránh thai, làm việc lâu dài trong môi trường nhiệt độ cao... đều có nguy cơ mắc bệnh SGTM.
Điều trị cho bệnh nhân suy tĩnh mạch nông chi dưới bằng bơm keo sinh học.
Triệu chứng của SGTM
Giai đoạn đầu: Hầu như không có triệu chứng rõ ràng, thoáng qua nên người bệnh thường không phát hiện được, như: đau chân, nặng chân, nhức mỏi ở bắp chân và đôi lúc thấy bàn chân có cảm giác to lên. Ban đêm thường hay bị chuột rút; Mắt cá chân bị sưng, phù nề.
Giai đoạn sau: Càng về sau các triệu chứng của bệnh SGTM càng rõ nét. Người bệnh sẽ thấy đau nhức, bong da, lở loét và đôi khi chảy máu ở vùng da bị bệnh. Bệnh lý này thường gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên tỷ lệ nữ chiếm nhiều hơn nam (tỷ lệ 1:4). Ngoài ra, đặc thù nghề nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh này như nghề giáo viên, nhân viên văn phòng, những người làm việc theo dây chuyền, lái xe...
SGTM gặp ở nhiều vị trí, chân nhiều nhất sau đó đến tay, giãn tĩnh mạch còn do yếu tố tuổi tác...
Các biện pháp phòng tránh
Có thể phòng tránh bệnh một cách dễ dàng, chỉ cần thay đổi lối sống và điều chỉnh thói quen sinh hoạt, chẳng hạn: Với những nghề nghiệp đặc thù có nguy cơ cao, cần thay đổi thói quen ăn uống sinh hoạt, vận động thường xuyên; Không nên mang giày cao gót; Không nên ngồi xổm, đung đưa, vắt chéo chân gây cản trở máu lưu thông; Không nên ngồi lâu hay đứng lâu một chỗ.
Nên chọn ghế ngồi phù hợp và kê cao chân khi nằm khoảng 20cm so với tim để tạo sự lưu thông máu. Nên đi lại thường xuyên, giãn cơ để các tĩnh mạch không bị quá tải. Tập các bài tập nhẹ như chạy bộ, bơi lội, thể dục dưỡng sinh để nâng cao sức khỏe và có lợi cho hệ thống tĩnh mạch chân. Hạn chế tắm nước nóng hay xoa bóp dầu nóng tại vùng da bị bệnh vì sẽ làm các tĩnh mạch giãn nở to hơn, bệnh sẽ càng nặng hơn.
Các phương pháp điều trị SGTM
Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh. Bên cạnh các phương pháp điều trị thông thường như mang tất y khoa, sử dụng thuốc, các bác sĩ BV Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí đang áp dụng tất cả các phương pháp chữa SGTM mới nhất. Trong đó, mổ stripping, muller lột bỏ tĩnh mạch hiển thường được áp dụng cho người bệnh không đáp ứng với gây tê, hoặc người bệnh lớn tuổi; tiêm xơ làm xơ hóa các mạch máu với các trường hợp bị giãn tĩnh mạch nhỏ. Và 2 phương pháp tiên tiến nhất là đốt laser và bơm gel.
Phương pháp đốt laser là công nghệ mới nhất, bệnh nhân sẽ được gây tê thay vì gây mê khi điều trị bằng phẫu thuật như trước đây. Đây cũng là phương pháp đang được thay thế dần cho phương pháp phẫu thuật. Đặc biệt, với phương pháp này, bệnh nhân có BHYT sẽ được thanh toán theo quy định. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn mang tất áp lực sau can thiệp một thời gian để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
Một phương pháp tiên tiến khác mà các bác sĩ của bệnh viện đã sử dụng đó là gây tắc tĩnh mạch bằng gel. Đây là phương pháp điều trị khá nhẹ nhàng, ít xâm lấn và có thời gian thực hiện ngắn, chỉ từ 15-20 phút. Các bác sĩ dùng công cụ chuyên dụng để luồn vào lòng tĩnh mạch và bơm gel sinh học gây bít tắc hoàn toàn tại đoạn tĩnh mạch bị bệnh. Bác sĩ quan sát hình ảnh mạch máu qua màn hình siêu âm để thao tác chính xác. Bệnh nhân sau điều trị hồi phục nhanh và ra viện sau 1-2 tiếng.
Để biết thêm chi tiết về bệnh, người bệnh có thể liên hệ với Khoa Phẫu thuật - Can thiệp Tim mạch & Lồng ngực - Tầng 4 - Tòa nhà DIII (Tòa nhà Trung tâm Ung bướu) - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, SĐT: 02036503138.