Trên động vật thực nghiệm sự gia tăng về mối nguy cơ bị ung thư đi đôi với sự suy giảm miễn dịch. Người bị suy giảm miễn dịch mang tính di truyền hay mắc phải thường dễ bị ung thư và thời gian ủ bệnh ngắn hơn, chủ yếu là bệnh limphô hệ võng.
Ở những bệnh nhân ghép cơ quan - sự suy giảm miễn dịch do thuốc rõ nhất. Theo dõi trong một thời gian dài 16.000 bệnh nhân ghép thận và được điều trị bằng các loại thuốc ức chế miễn dịch người ta thấy nguy cơ bệnh limphô không Hodgkin tăng 32 lần, ung thư gan và đường mật trong gan tăng 30 lần, ung thư phổi tăng 2 lần, ung thư bàng quang hơn 5 lần, ung thư cổ tử cung gần 5 lần, các mêlanôm ác và ung thư tuyến giáp tăng lên 4 lần. Sự đè nén miễn dịch cũng còn làm tăng nguy cơ nhiễm virut, cả hai loại virut gây ung thư và những loại bị nghi ngờ.
Người có HIV dương tính có nguy cơ cao sarcôm Kaposi và limphô không Hodgkin (NHL). Sarcôm Kaposi có thể xảy ra bất cứ lúc nào sau khi bị nhiễm HIV, trái lại, NHL có khuynh hướng xuất hiện trên cơ địa suy giảm miễn dịch trầm trọng. Ở người bị nhiễm HIV, nguy cơ này gia tăng khoảng 6% mỗi năm trong vòng 9-10 năm.
Điều này được biết rõ qua những nghiên cứu theo dõi những người nhiễm HIV (nam đồng tính luyến ái, người mắc bệnh máu không đông bị nhiễm HIV do truyền máu) và qua các dữ kiện tương ứng về nhiễm HIV và ghi nhận ung thư. Nguy cơ xuất hiện sarcôm Kaposi cũng có liên quan đến cách thức nhiễm HIV mắc phải. Trong khi một phần nam đồng tính luyến ái có nguy cơ bị sarcôm Kaposi thì chỉ có khoảng 1/30 người bị nhiễm HIV qua người mẹ hoặc trong thời kỳ chu sinh. Nhận định này và các quan sát dịch tễ học khác giúp đưa đến kết luận là sarcôm Kaposi có liên quan đến tác nhân thường lây nhiễm qua quan hệ tình dục và có lẽ cùng một tác nhân như trong các ca xuất hiện riêng lẻ hoặc các ca có liên hệ AIDS (SIDA).
Dự án PCUT Quốc gia - Bệnh viện K TW